Mặc dù biết rõ khi điều khiển phương tiện cần phải tập trung cao độ để giữ vững tay lái, đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân và những người lưu thông xung quanh nhưng nhiều người vẫn không thật sự có trách nhiệm với điều này. Đặc biệt, 1 trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tài xế phân tâm khi lái xe chính là sử dụng điện thoại.
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ khiến khả năng quan sát, độ tập trung và khả năng ứng biến của tài xế giảm đi nhiều bởi não bộ rất khó khăn để xử lý 2 việc đồng thời cùng 1 lúc. Và nếu như có những tình huống phát sinh, trong trường hợp này bác tài sẽ dễ bị mất bình tĩnh và không kịp xử lý, từ đó gây ra những va chạm đáng tiếc.
Thực tế, những người hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với người tập trung lái. Trong đó, khả năng phanh, độ phản ứng với đèn tín hiệu, giữ làn đường và khoảng cách với xe phía trước là 4 yếu tố bị giảm thiểu đi rõ rệt nếu như tài xế vừa lái xe vừa dùng điện thoại.
Tài xế vừa lái xe vừa dùng điện thoại sẽ giảm khả năng tập trung, quan sát và ứng biến tình huống
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc lái xe bình thường tiêu tốn 85% năng lượng của não bộ. Và khi dùng điện thoại, người lái sẽ bị xao nhãng về thị giác, thính giác, độ nhạy của đôi tay và sự tỉnh táo. Chính vì vậy, việc dùng điện thoại như nghe gọi hay lướt facebook cũng sẽ khiến cho não bộ quá tải, thậm chí còn làm thị lực của người lái giảm 50%. “Cho dù là một người lái xe nhiều kinh nghiệm hay là tài mới, bạn chỉ có thể trở thành người lái xe an toàn hơn nếu hiểu được bản thân dùng bao nhiêu phần trăm trí não để điều khiển một chiếc xe hơi” – ông Matt Gerlach, chuyên gia hàng đầu của Ford chia sẻ.
Thống kê cho thấy hơn 80% người trung tuổi và gần 90% người trẻ tại Việt Nam cho biết chính bản thân họ và người thân quen từng gặp phải tai nạn do mất tập trung khi lái xe ô tô. Mà trong đó có tới 49% phụ nữ dùng điện thoại trực tiếp khi đang lái xe, 31% số người sử dụng các trang mạng xã hội khi đang điều khiển phương tiện và 33% số còn lại thuộc về các nguyên nhân gây xao nhãng khác.
Tuy nhiên dù nhận thức được tác hại của việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe, nhưng khi được khảo sát ý kiến, gần 40% tài xế Việt cho biết họ khó lòng bỏ được thói quen dùng di động khi cầm lái.
Dùng điện thoại khi lái xe sẽ bị phạt tiền và tước GPLX nếu gây ra tai nạn
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ bị phạt như thế nào?
Đối với ô tô:
Khoản 3 và 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:
Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
l) Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 7; Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các Điểm, Khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 1; Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm g, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l Khoản 2; Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm k, Điểm l Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i Khoản 4; Khoản 5; Điểm a Khoản 6; Điểm c Khoản 7;
Đối với xe máy:
Khoản 3 và 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
o) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 7; Khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại Khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các Điểm, Khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i Khoản 1; Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm h Khoản 2; Điểm a, Điểm b, Điểm đ, Điểm g, Điểm h, Điểm m, Điểm n, Điểm o Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm g, Điểm i, Điểm k, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 5.
Theo pháp luật về xe hơi, có thể nói rằng, mức phạt đối với lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe hiện nay tại nước ta vẫn chưa đủ sức để răn đe và giúp nâng cao ý thức của người lái xe. Bởi khi khảo sát, vẫn có khoảng 60% tài xế tỏ ra chủ quan và cho rằng việc lâu lâu dùng điện thoại 1 đôi lần trong quá trình điều khiển phương tiện cũng không thể gây hại ngay được.
Rõ ràng, việc chấp hành đúng Luật không chỉ xoay quanh các mức tiền phạt nếu vi phạm mà cao hơn chính là ý thức trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông. Chính vì vậy, một khi đã điều khiển phương tiện, tài xế nên tập trung cao độ vào vô lăng để đảm bảo có 1 hành trình thật sự an toàn. Hãy giữ vững tay lái và đừng để bản thân rơi vào tình huống “xao nhãng 1 tích tắc, hối hận cả 1 đời”!
Tin bài liên quan: