Hiện nay, nhiều cơ sở cho thuê xe đã “chốt sổ” từ sớm và giá cho thuê cũng tăng gấp 2,5 lần so với ngày thường.
Giá xe tăng 2,5 lần
Ông Đỗ Toàn, chủ cơ sở cho thuê xe tự lái với gần 20 đầu xe ở Xuân Đỉnh cho hay, đến thời điểm này hầu hết các đầu xe của cơ sở đã có khách quen đặt cọc và chỉ chờ đến ngày 28 và 29 Tết là bàn giao xe cho khách. Do họ là khách quen và đặt thuê xe cách đây cả tháng nên giá chỉ tăng nhẹ từ 10 đến 15% so với ngày thường. Còn những ngày này gần như các cơ sở đã “chốt sổ” nên lượng xe cho thuê không còn nhiều.
Theo ông Toàn, nếu như ngày thường giá cho thuê xe 5 chỗ như Hyundai Grand i10, Kia Morning, Toyota Vios, Nissan Sunny, Mazda3… dao động từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng/ngày thì những ngày này giá tăng từ 650.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/ngày. Các dòng xe 7 chỗ như Toyota Innova, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, Huyndai Santa Fe, Toyota Fortuner… giá cho thuê ngày thường từ 800.000 đồng đến gần 1 triệu đồng/ngày thì nay từ 900.000 đồng đến 1,4 triệu đồng/ngày. Tùy vào dòng xe, đời xe và chất lượng xe mà giá cả cho thuê cũng khác nhau.
Điểm đáng chú ý ở thị trường cho thuê xe tự lái năm nay là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày nên nhiều cơ sở cho thuê trọn gói 4 ngày, 7, 10 và 14 ngày theo xu hướng càng thuê nhiều ngày giá càng rẻ. Tuy nhiên, do cận Tết và nguồn xe khan hiếm, giá cho thuê theo đó cũng tăng gấp gần 3 lần so với ngày thường.
Hình minh họa.
Xe cá nhân, doanh nghiệp tranh thủ kinh doanh
Trên thị trường cho thuê xe tự lái năm nay, bên cạnh các cơ sở cho thuê chuyên nghiệp còn có nhiều cá nhân, tổ chức cho thuê xe nhàn rỗi trong những ngày nghỉ Tết để tăng thêm thu nhập.
Anh Phan Minh Thành ở Gia Lâm cho biết, cả ngày thứ 7 vừa qua anh đi nhiều nơi thuê xe tự lái để về quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An trong dịp Tết. Nơi có thì không yên tâm về chất lượng xe, giá cả tăng gấp ba ngày thường, kiểu được giá thì cho thuê không thì để đấy. Anh được người quen giới thiệu gia đình anh Phạm Văn ở Đại Mỗ có 2 chiếc xe và cuối cùng anh đã thuê được chiếc Kia Morning trong 7 ngày Tết với giá chỉ 5 triệu đồng, bình quân mỗi ngày hơn 700.000 đồng. Anh Thành cho hay, đây là mức giá quá “hời” trong thời điểm cận Tết cung không đủ cầu, trong khi ngày thường giá thuê xe này cũng từ 500.000 đến 600.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, anh Thành cũng băn khoăn, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nguy cơ lây nhiễm vào địa phương là rất lớn bởi người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành phố về quê ăn Tết là rất nhiều. Mặc dù thuê được xe, nhưng có về quê sum họp cùng gia đình hay không là cả vấn đề bởi từ nay đến Tết vẫn chưa biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Trong khi đó, theo tính toán của anh Đỗ Bá Sáng, quê ở Lạng Sơn, nếu thuê xe tự lái 7 chỗ trong 7 ngày Tết với giá từ 12 đến 15 triệu đồng, người thuê còn phải trang trải tiền xăng xe, phí đường bộ, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông… Do tổng chi phí khá lớn nên anh quyết định thuê xe có lái.
Theo anh, thuê xe có lái về quê ngày 28 Tết và trở lại Hà Nội ngày 5 Tết tổng chi phí cũng chỉ dao động 4,5 đến 5 triệu đồng cho hai chiều với tổng quãng đường khoảng 330km. Như vậy, giá thuê xe có lái không chỉ rẻ hơn mà còn an nhàn, dọc đường xe bị hỏng hóc hay va chạm xảy ra thì lái xe và chủ cho thuê tự lo liệu.
Kinh nghiệm thuê xe
Theo giới chuyên doanh, mặc dù vài năm gần đây doanh số bán ô tô mới khoảng 400.000 xe/năm, nhưng với nhiều người chưa có xe riêng, gia đình lại đông người hoặc có con nhỏ thì lựa chọn dịch vụ thuê xe tự lái vẫn là xu hướng, tránh được cảnh chen chúc đi xe khách ngày Tết. Tuy nhiên, người thuê xe cũng cần quan tâm đến những kinh nghiệm này để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra trong quá trình thuê xe.
Theo đó, người thuê cần kiểm tra kỹ giấy tờ xe về thời hạn kiểm xe, trong trường hợp bị cảnh sát kiểm tra, nếu thời hạn lưu hành xe đã hết hoặc giấy tờ xe không khớp rất có thể người thuê xe sẽ gặp rắc rối.
Bên cạnh đó, người thuê xe cũng không nên bỏ qua việc kiểm tra hiện trạng ngoại thất xem xe có bị xước, móp mép; kiểm tra kỹ nội thất xe có nguyên bản hay rách, sứt, vỡ, ố bẩn. Cẩn thận có thể ghi lại hình ảnh thực tế của xe và lập biên bản để xác định tình trạng của xe một cách rõ ràng để tránh những tranh cãi, bắt đền khi trả xe.
Đồng thời, kiểm tra số km hiện tại, tình trạng xăng, dầu, nước làm mát và đi thử xe để kiểm tra hệ thống lái, giảm xóc, điều hòa… Điều này có thể giúp nhận ra những trục trặc của xe, tránh những sửa chữa không đáng có khi đã nhận xe. Để đảm bảo an toàn, người thuê cũng cần kiểm tra lốp dự phòng của xe còn sử dụng được hay không, các thiết bị hỗ trợ khác như kích xe, hộp đồ, biển phản quang có đầy đủ không, tránh trường hợp nhận xe không có nhưng khi trả xe họ lại hỏi.
Cùng với đó, người thuê cũng nên xem xét các điều khoản thỏa thuận và tìm hiểu kỹ về gói dịch vụ như thời gian cho thuê, hạn chế bao nhiêu km/ngày, giá tiền km phụ trội và tiền lưu đêm.
Khi thỏa thuận đặt cọc hãy thêm điều khoản đền bù cụ thể của chủ xe trong trường hợp không giao xe đúng hẹn, không đúng loại xe như đã ký hợp đồng. Nếu không chú ý tới điều khoản này, nhiều khách hàng phải nhận những chiếc xe đời cũ, không an toàn khi lưu thông.
Trường hợp xe gặp sự cố dọc đường, thậm chí là tai nạn và người cho thuê yêu cầu đền bù, lúc này khách hàng cần nhờ đến người có kinh nghiệm và kiến thức về pháp luật để tránh phải đền bù không thỏa đáng.