Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, các Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan dạy nghề địa phương tổ chức cấp giấy phép đào tạo lái xe, thanh tra, kiểm tra, giám sát từ khâu học đến kiểm tra, thi cấp chứng chỉ nghề.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ngày 8.10.2019, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 38 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12 ngày 15.4.2017, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và chính thức có hiệu lực từ 1.12.2009.
Theo đó, Thông tư 38 sẽ bổ sung thêm việc xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Với việc tích hợp nhiều bài thi, điều kiện thời tiết, cung đường trong cabin tập lái, học viên có thể tiếp cận tình huống một cách thực tế.
Việc bổ sung quy định dùng công nghệ cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý được thời gian học lý thuyết cũng như thực hành của các trung tâm đào tạo lái xe, hạn chế tối đa tình trạng cắt xén chương trình, đảm bảo thời gian học, thực hành thực tế là 84 tiếng hoặc hơn 1000km theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo đầu tư, trang bị cabin tập lái, để việc học lái và xử lý các tình huống có thể chưa gặp trong thực tế lái xe trở nên tốt hơn.
Việc cấp giấy phép lái xe được siết chặt hơn từ 1.12 khi thông tư 38 chính thức có hiệu lực. Ảnh: Trường lái xe Đông Đô
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe VOV-Hà Nội, quán triệt chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ, về lộ trình, tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe sẽ thực hiện đúng theo quy định Bộ Giao thông Vận tải đề ra. Theo đó, bắt đầu từ 1.1.2020, các cơ sở đào tạo phải có cabin học cho học viên, đến ngày 1.5.2021, sẽ đưa môn học cabin vào phần thi.
Cũng về vấn đề này, theo ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), cho rằng tại Việt Nam, từ năm 2005 đã áp dụng hình thức sát hạch lý thuyết trên máy vi tính và sát hạch kỹ năng lái xe theo phương pháp chấm điểm tự động, có thiết bị giám sát ghi hình trực tiếp, lưu trữ lâu dài.
Điều này khẳng định chất lượng đầu ra khách quan, đáp ứng kỹ năng lái xe căn bản khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, sắp tới đây chương trình đào tạo và sát hạch lái xe sẽ có rất nhiều thay đổi, đặc biệt là việc Thông tư số 38 có hiệu lực vào ngày 1.12.2019.
“Cách đây khoảng 3 thập kỷ, vào những năm 1995, khi mà ô tô dạy lái còn khan hiếm và đắt đỏ thì cabin điện tử đã được đưa vào hỗ trợ cho công tác đào tạo. Nhưng theo thời gian tính thực tiễn và hiệu quả không cao nên nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi bỏ.
Nếu căn cứ theo quy định của Thông tư 38 thì mức đầu tư trung bình cho một trường đào tạo lái xe với lưu lượng 1000 học viên cần ít nhất khoảng 10 cabin điện tử, giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/1 cabin điện tử.
Như vậy, mỗi trường với gần chục tỉ đồng bỏ ra đầu tư trang thiết bị khi chưa đánh giá được hiệu quả sẽ gây nên sự lãng phí chung cho xã hội và khó khăn người học.
Do đó, nên hạ thấp quy chuẩn về thiết bị mô phỏng điện tử. Thay vì sử dụng cabin điện tử có giá vài trăm triệu thì có thể sử dụng phần mềm có tính năng tương tự cài đặt trên máy tính sẵn có tại các Trung tâm để tránh sự lãng phí. Trước mắt, chỉ áp dụng thí điểm tại một vài các đơn vị công lập, sau đó đánh giá hiệu quả, nếu khả thi sẽ nhân rộng ra phạm vi toàn quốc” – ông Toản nói.
(Nguồn : Lao động)