Khi đỗ xe, không ít người lái chủ quan, dễ mắc phải những sai lầm tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Không kéo phanh tay
Quên kéo phanh tay khi đỗ xe là một lỗi khá phổ biến, đặc biệt là ở những người mới sử dụng xe. Điều này cực kì nguy hiểm, nhất là khi xe đang ở trên địa hình dốc, xe rất dễ bị trôi và gây tai nạn. Một số người lái xe còn chủ quan cho rằng khi đỗ xe chỉ cần chuyển cần số về P là xe sẽ đứng yên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp xe đỗ tại nơi có độ dốc lớn hoặc chịu tải nặng, số P có thể mất tác dụng khiến cho xe lao đi với tốc độ cao và xảy ra va chạm. Do đó, việc kéo phanh tay là vô cùng cần thiết, để đảm bảo an toàn, người lái xe nên tập thói quen kéo phanh tay khi đỗ xe.

Xem thêm Có nên về số P trước khi phanh tay không
Mở cửa xe khi chưa quan sát kĩ
Hầu như người dùng xe nào cũng được học những kĩ thuật cơ bản như cách xuống xe an toàn, đó là mở hé cửa, quan sát kĩ phía sau xe, nếu đường trống mới mở hết cửa và bước ra ngoài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường xuyên mắc phải lỗi cơ bản này mà không lường trước việc mở cửa xe đột ngột có thể gây ra tai nạn cho người đi đường, đặc biệt là xe đạp, xe máy và người đi bộ.

Để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, ở Hà Lan tất cả những người học lái xe đều phải học một kĩ thuật mở cửa ô tô có tên là Dutch Reach. Theo phương pháp này, người lái xe luôn phải dùng cánh tay ở xa cửa xe nhất để mở cửa, cụ thể là dùng tay bên phải để mở cửa bên trái và ngược lại. Nghe có vẻ phức tạp nhưng phương pháp này lại vô cùng hữu dụng, do phải xoay người để mở cửa nên người lái xe sẽ dễ dàng quan sát được phía sau trước khi mở cửa.
Để trẻ em trong xe một mình
Khi đưa trẻ đi ra ngoài bằng xe ô tô, một số ông bố bà mẹ có thói quen để trẻ ở trong xe một mình khi đỗ xe để ghé mua đồ hoặc bận công việc, đây là một sai lầm cực kỳ nguy hiểm. Năm 2011, theo một nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, có ít nhất 33 trẻ em ở Mỹ chết vì bị sốc nhiệt và thiếu khí sau khi bị người thân bỏ lại một mình trên xe.
Một nghiên cứu khác của tổ chức Safe Kids Worldwide cũng cho thấy, nhiệt độ bên trong xe có thể nhảy lên gần 20 độ trong 10 phút, kể cả khi thời tiết mát mẻ. Trong khi cơ thể của trẻ em dễ bị tăng nhiệt hơn người lớn từ 3 – 5 lần, thậm chí có những trường hợp trẻ tử vong dạng này trong mùa đông. Bên cạnh đó, những đứa bé hiếu động có thể thử mở bất cứ thứ gì trong xe, trẻ có thể đạp nhầm ga, gạt cần số khiến xe di chuyển ra đường, lúc này chúng ta sẽ không thể biết được điều gì có thể xảy ra.

Không lên kính cửa xe
Nếu không kéo kính xe lên hẳn khi đỗ xe ngoài trời, khi gặp cơn mưa đột ngột, nước mưa hắt vào trong sẽ làm ướt nội thất bên trong xe. Ngoài ra, để hở cửa kính xe sẽ tạo cơ hội cho kẻ gian đột nhập và lấy cắp những món đồ quý giá để trong xe. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng, người lái xe nên mở hé cửa kính một chút để lưu thông không khí, tránh tích nhiệt trong xe.
Không tắt đèn
Trong nhiều trường hợp, do vội vàng hoặc sơ ý, nhiều người đỗ xe mà quên mất việc tắt đèn, điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng hậu quả của nó lại rất tai hại. Các dòng xe hiện đại đã được trang bị đèn pha tự động nhưng nhiều xe đời cũ không có. Vì vậy người lái xe đi buổi tối xong cần nhớ tắt đèn pha và đèn nội thất trong xe. Nếu để đèn sáng sau một đêm có thể ảnh hưởng, khiến bình ắc quy ô tô bị yếu thậm chí hết bình khiến xe không thể nổ máy.

Quên gập gương
Gập gương là điều cần thiết trong quá trình đỗ xe, điều này sẽ giúp xe tránh được những va chạm đáng tiếc. Khi xe đỗ ở trong một bãi gửi xe đông đúc và chật chội, việc gập gương sẽ làm giảm diện tích xe để dễ di chuyển hơn. Hoặc nếu xe đậu bên đường, khi mật độ xe lưu thông quá đông, người đi xe máy rất có thể sơ ý va quệt vào gương xe, không những gây hư hỏng xe mà còn có khả năng xảy ra tai nạn.

Người lái xe cần phải tạo thói quen cẩn thận, dù có vội vàng đến đâu cũng nên kiểm tra kĩ càng trong ngoài xe và chắc chắn an toàn trước khi rời xe ô tô nhằm tránh những hậu quả không đáng có.
Trấn Vũ