Câu chuyện “phụ nữ cầm vô lăng như tử thần cầm lưỡi hái”
Cảm giác bàng hoàng, đau xót khi đọc các dòng tin về vụ tai nạn do nữ tài xế xe BMW gây ra tại nút giao thông Nguyễn Trãi – Láng (Hà Nội) năm 2018 vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Mỗi vụ tai nạn do nữ tài xế gây ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây lại có thêm vụ chiếc Mercedes GLC 250 gây tai nạn nghiêm trọng tại đường Lê Văn Lương khiến một người chết, một người bị thương, tạo ra một cảnh tượng kinh hoàng trên tuyến đường đó.
Phụ nữ lái xe và mối quan ngại mang tên “giày cao gót”
Theo một số nguồn tin, đang lưu thông trên đường, chiếc Mercedes GLC 250 bất ngờ phi thẳng về phía trước, cuốn 2 xe máy, 1 xe đạp vào gầm. Cú va chạm mạnh khiến một người phụ nữ tử vong ngay tại chỗ. Sự việc chưa dừng lại ở đó, chiếc xe sang màu đen tiếp tục kéo lê chiếc xe máy mắc kẹt ở đầu xe khoảng 10m và bùng cháy dữ dội.
Lúc này, những người tham gia giao thông tại đó phát hiện vẫn còn một người đàn ông mặc áo Grab bị mắc kẹt giữa hai phương tiện đang bốc cháy. Quần nạn nhân bắt đầu bén lửa. Rất may, người đàn ông đã được một chiến sĩ CSCĐ giải cứu kịp thời và nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Chỉ vài phút sau, ngọn lửa đã bao trùm, thiêu rụi hai chiếc xe.
Hình ảnh hiện trường cho thấy, người điều khiển chiếc xe ô tô gây tai nạn là một phụ nữ mặc váy đen, tay cầm túi xách và đi giày cao gót. Tại cơ quan công an, nữ tài xế khai nhận: Khi đang điều khiển xe, thấy có một số phương tiện ở phía trước nên định phanh xe. Nhưng do chân đi giày cao gót và không bình tĩnh đã đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh, gây ra cảnh tượng đau lòng.
Từ những vụ việc kể trên, nhiều người tỏ thái độ không tôn trọng khi nhắc đến chuyện phụ nữ lái xe. Không ít người khác giới ví von “phụ nữ cầm vô lăng như tử thần cầm lưỡi hái“. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ phiến diện. Phụ nữ cũng giống như cánh mày râu, có đủ “phẩm chất” để lái xe. Phụ nữ không phải không có khả năng lái xe dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm mà chủ yếu là thiếu kỹ năng lái xe an toàn.
Vậy đâu là mối quan ngại từ phía phụ nữ cần được loại bỏ để nâng cao an toàn khi lái xe? Câu trả lời chính là giày cao gót và thái độ tham gia giao thông:
Giày cao gót – Yếu điểm của phụ nữ khi lái xe
Hầu hết các vụ tai nạn giao thông do phụ nữ gây ra đều xuất phát từ nguyên nhân “chân mang giày cao gót“. Bình thường, giày cao gót là phụ kiện không thể thiếu để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ theo mỗi nhịp bước chân. Nhưng đó chỉ là trên đường, khi phụ nữ chịu “cuốc bộ”. Còn khi đã leo lên xe, giày cao gót là yếu tố nguy hiểm, làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Kết quả một cuộc nghiên cứu tại Anh với sự tham gia của 2000 nữ tài xế cho thấy, có khoảng 40% phụ nữ đi giày cao gót lái xe và 24% đi chân trần lái xe. Các chuyên gia đào tạo lái xe cho biết, đi giày cao gót làm phản xạ đạp chân phanh, chân ga chậm hơn. Nguy hiểm hơn, nó khiến phụ nữ đạp nhầm chân ga hoặc chân ga.
Do có cấu tạo đặc thù nên giày cao gót để lại một khoảng trống giữa hai bàn chân người lái với 2 bàn đạp. Khoảng trống này khiến người điều khiển khó cảm nhận chính xác không gian, dễ đạp trượt hoặc đạp nhầm chân phanh hoặc chân ga. Việc đạp nhầm chân ga trong khi các phương tiện xung quanh đang chuẩn bị dừng chờ đèn đỏ sẽ tạo ra thảm họa kinh hoàng.
Theo những người có kinh nghiệm sử dụng ô tô, kỹ năng cơ bản sử dụng chân ga và phanh là “nhích gót, xoay từ chân ga sang phanh“. Đây là thao tác giúp người điều khiển xử lý tình huống nhanh hơn và thuần thục hơn. Nếu đi giày cao gót, người lái phải nhấc chân lên để đạp phanh nên thao tác sẽ chậm hơn và dễ đạp nhầm chân ga.
Chân ga hay chân phanh có phát huy tối đa chức năng hay không phụ thuộc vào lực từ bàn chân. Khi đi giày cao gót, tài xế rất khó phân bổ lực vào đúng khu vực mình mong muốn. Nếu mang giày cao gót, bạn chủ yếu tận dụng lực ở đầu ngón chân để đạp nên dễ dẫn đến việc phanh không nhận đủ lực trong các tình huống khẩn cấp. Chưa kể, gót giày nhọn, mảnh rất dễ mắc kẹt ở thảm xe hoặc kẹt trong chân phanh gây cản trở cho việc điều khiển xe.
Bên cạnh giày cao gót, việc đi bốt cao cổ, dép xỏ ngón hoặc chân trần trong lúc lái xe ô tô cũng rất nguy hiểm. Bốt cao gót làm khớp bàn chân bị bó cứng, cử động không linh hoạt, giảm khả năng phản ứng của phụ nữ. Chân trần nghe vẻ có lợi thế hơn giày cao gót nhưng trên thực tế, người lái phải dùng nhiều lực hơn nên dễ gặp chuột rút, chưa kể một số trường hợp ra mồ hôi chân, gây trơn trượt. Trong khi đó, dép xỏ ngón rất dễ tuột khỏi chân và loại “phụ kiện” này có tính chất nguy hiểm hơn cả giày cao gót.
Những người có nhiều kinh nghiệm lái xe ô tô chia sẻ, nữ tài xế có thể để trong xe một đôi giày và mang chúng khi lái xe. Đôi giày này phải hội tụ các đặc điểm như: Đế phẳng và không quá dày, độ ma sát tốt, kích cỡ phù hợp với chân người sử dụng.
Dù chuyện mang giày, dép như thế nào khi lái xe chưa được quy định cụ thể trong Luật giao thông đường bộ và đường sắt tại Việt Nam nhưng trong các buổi học để thi sát hạch lái xe, học viên luôn được khuyến cáo không đi giày cao gót, bốt cao cổ, dép lê trong khi điều khiển xe.
Bản lĩnh và thái độ lái xe – Điểm làm nên sự cuốn hút của phụ nữ
Mọi thành công đều cần có bản lĩnh, lái xe cũng vậy. Bản lĩnh giúp bạn tìm ra phương hướng giải quyết những tình huống khó khăn và hình thành thái độ nghiêm túc khi lái xe. Phụ nữ có nhiều vấn đề làm mất tập trung khi lái xe bởi họ luôn muốn làm nhiều việc cùng một lúc. Hằng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp những kiểu phụ nữ bận rộn, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, thậm chí còn tranh thủ trang điểm, làm đẹp khi lái xe.
Có không ít “truyền kỳ” về chuyện “mợ nó lái xe“, chẳng hạn như các chị đẹp gây ùn tắc giao thông vì tận dụng vài giây đèn đỏ để trang điểm khiến dân tình phía sau dài cổ bấm còi “xin đường” khi đèn chuyển xanh. Hay chuyện cô gái trẻ đang đi bất ngờ phanh lại và ngồi “cố thủ” với chiếc vô lăng không chịu đi tiếp do quá hoảng loạn sau khi bị chiếc xe máy tạt đầu. Rồi như chuyện đi giày cao gót lái xe rất nguy hiểm – Phụ nữ thừa biết và ít nhất đã từng tiếp cận thông tin này một lần nhưng vì điệu, vì một phút lãng quên, họ vẫn bất chấp.
Do đó, phụ nữ lái xe cần tập trung, bình tĩnh và tuân thủ những quy tắc chung khi lái xe. Trong một khoảnh khắc nào đó, sự cuốn hút của phụ nữ không nằm ở lớp son phấn hay đôi giày cao gót mà nó thể hiện ở bản lĩnh và thái độ khi điều khiển xe hơi.
Bài viết trên đây chỉ nêu ra những đặc điểm làm hạn chế khả năng lái xe của phụ nữ. Trên thực tế, mỗi vụ tai nạn đều bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau (bao gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan). Việc xác định nguyên nhân để giải quyết vụ việc là của cơ quan chức năng. Còn chúng ta, với phương diện là người lái xe, người tham gia giao thông, điều quan trọng hơn cả là biết tiếp thu và thực hiện đúng các kỹ năng lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.
(Nguồn ảnh: Internet)