Hầu hết người sử dụng ôtô hoặc những người quan tâm, từng có điều kiện đi các dòng xe lắp ráp và nhập khẩu đều nhận thấy có sự khác nhau về vận hành, trong đó phần thắng nghiêng về xe nhập khẩu. Lấy ví dụ như tiếng đóng cửa chắc chắn hơn, khả năng cách âm, độ chính xác của vô-lăng cũng như khả năng cân bằng, không bị vặn vẹo khi di chuyển cũng tốt hơn. Vậy có thực sự xe nhập khẩu chất lượng tốt hơn xe lắp ráp?
Mercedes S-Class lắp ráp trong nước.
Trước hết cần hiểu hiện có hai dạng xe lắp ráp cơ bản là CKD và IKD, mỗi kiểu sẽ tạo ra quan điểm khác nhau về chất lượng.
CKD
CKD – Completely Knocked Down là lắp ráp từ bộ linh kiện hoàn chỉnh. Hiểu nôm na là tất cả mọi thứ trên xe đều được nhập từ nước ngoài về Việt Nam sau đó thợ sẽ lắp thành xe hoàn chỉnh.
Với kiểu lắp ráp này, tỷ lệ nội địa hóa bằng 0%. Nhưng không có nghĩa là thợ Việt Nam chỉ vặn con ốc, đi dây điện… để thành cái xe hoàn chỉnh. Nhà máy còn phải làm những công việc như hàn, dập, sơn… Đây là phương pháp mà xe lắp ráp tại Việt Nam chắc chắn có chất lượng giống với xe nhập khẩu được lắp tại Thái Lan, Malaysia… hay bất cứ nước nào có chung nguồn nhập linh kiện.
IKD
IKD – Incompletely Knocked Down là lắp ráp từ bộ linh kiện không hoàn chỉnh, tức một phần linh kiện nhập khẩu, một phần được cung cấp nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa mà chúng ta hay nghe chính là xuất phát từ kiểu lắp ráp này.
Các hãng xe khi lắp ráp theo dạng IKD có thể sử dụng các nhà cung cấp tại Việt Nam cho thân vỏ, lốp, dây điện, kính, ghế…, bất cứ thứ gì mà trong nước có thể cung cấp và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Vì lượng nội địa hóa này mà sinh ra quan điểm khác nhau về chất lượng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu.
Nhiều người cho rằng xe lắp ráp có chất lượng vật liệu kém hơn, ví như vỏ mỏng hơn, kính chắn gió nhanh mờ, mỏng hơn, vật liệu cách âm kém hay nhựa, cao su nhanh thoái hóa… Đi xe nhập khẩu thì đầm, chắc hơn, êm ái và cách âm tốt hơn nhiều.
Theo tôi đây chỉ là những cảm quan hình thành bởi tâm lý ưa chuộng hàng nhập khẩu. Lấy ví dụ xe Camry ở Việt Nam có trọng lượng không tải là 1.490-1.505 kg, ở Mỹ là 1.497-1.515 kg, hơn kém nhau không nhiều, có thể do khác biệt trong thiết kế và lượng trang bị. Một người quen của tôi làm trong hãng xe liên doanh cho biết, khi lắp ráp một mẫu xe ở Việt Nam, họ sẽ phải gửi một xe mẫu về hãng mẹ để kiểm tra xem có đáp ứng các yêu cầu về chất lượng hay không, có như vậy mới được phép bán ra thị trường.
Như vậy nếu đã được hãng mẹ đồng ý về chất lượng, thì xe lắp ráp trong nước đâu phải tệ hơn xe nhập khẩu. Chưa kể, nhiều công ty sản xuất linh kiện ở Việt Nam là doanh nghiệp FDI, chủ yếu phục vụ xuất khẩu chứ không cung cấp nhiều cho nội địa. Sau này Trường Hải, Hyundai Thành Công sản xuất xe để xuất đi nước khác thì chất lượng làm sao có thể tệ được?
Nhưng nói đi cũng phải suy lại, không tự dưng mà nhiều người đều cho rằng xe nhập khẩu vận hành tốt hơn xe lắp ráp. Vậy sự sai lệch này đến từ đầu, có phải do trình độ lắp ráp của công nhân, hay hãng cho phép xe ở những thị trường như Việt Nam nằm dưới tiêu chuẩn ở những thị trường khác?
Theo Độc giả Nguyên Khoa (Vnexpress.net)