Một mẫu xe có giá từ 500-700 triệu đồng có thể tăng 10-30 triệu đồng so với cách đây vài tháng.
Cuối 2019, các hãng xe đua nhau giảm giá cả trăm triệu đồng, khiến khách hàng không mặn mà với xe cũ, khiến giá loại xe này giảm giá hàng chục triệu. Tuy vậy đến cuối 2020, thị trường đang có chiều hướng ngược lại. Giao dịch tại showroom cũng như cá nhân với nhau đều tăng vài chục triệu so với những tháng trước trong năm.Ở tất cả các phân khúc đều có biến động như nhau. Phân khúc A, ví dụ dòng Hyundai i10 bản AT đời 2017 cách đây 2-3 tháng có giá khoảng 340 triệu đồng, nhưng hiện tại lên mức 350-355 triệu đồng, tức tăng khoảng 10-15 triệu. Ở phân khúc cao hơn, Vios 2014 G, trước đây giá 420 triệu, hiện ở ngưỡng 440-450 triệu đồng. Tương tự mức tăng cũng bị đẩy lên với các mẫu xe có giá trị lớn hơn nữa.
So với các năm, giá xe cũ năm nay tăng tương đối khoảng 5-10%. Các mẫu xe được săn đón nhiều chủ yếu đến từ các thương hiệu bình dân như Toyota, Honda, Kia, Hyundai, Mazda trong khoảng giá 300-800 triệu, tập trung nhiều ở các mẫu A, B, C gầm thấp và C gầm cao.
Khách xem xe Fortuner cũ ở Hà Nội. Ảnh: Trần Phúc
Theo những người buôn xe cũ lâu năm, xe cũ tăng giá bởi tình trạng khan hàng ở cả xe mới và xe cũ. Với xe mới, khách hàng đổ xô mua xe chạy lệ phí trước bạ khiến các hãng cung không kịp cầu, nhiều khách hàng phải chờ sang 2021 mới được nhận xe, không còn được ưu đãi. Không mua được xe mới để đi Tết, khách tìm tới xe cũ như một phương án với mức tài chính tương tự.
Trong khi đó, xe cũ thiếu cung vì nguồn hàng từ miền trung và miền nam không dồi dào như các năm trước. Kinh tế khó khăn khiến người dân mua ít xe mới hơn, nên lượng xe cũ bán lại cũng ít theo. Bên cạnh đó, dịch bệnh, lũ lụt ở miền trung những tháng vừa rồi khiến lượng xe ngập nước, hư hại tăng đáng kể. Các showroom vì thế dè chừng, không nhập hàng.
Tuy giá tăng, nhưng các showroom cho biết thực tế giao dịch vẫn khá sôi động. Nhiều thợ buôn xe tiết lộ vẫn mua được xe giá rẻ từ người dùng nhưng bán ra giá cao để tận dụng dịp cuối năm cất một “mẻ lớn”, bù cho việc kinh doanh trong 2020 rất khó khăn, âm vốn. Khách hàng chấp nhận việc trả thêm vài chục triệu, để có phương tiện đi Tết – một nhu cầu thường thấy của người sử dụng xe tại Việt Nam.
Anh Đặng Nam (Hà Nội), mua chiếc Kia Morning cũ đời 2018 với mức tăng 15 triệu so với giá cách đây hai tháng, nhưng vẫn khá hài lòng. Anh cho rằng, tiền chênh cũng bằng chi phí bỏ ra thuê xe sử dụng trong hai tháng, nhưng không thể thoải mái bằng xe của chính mình. Trong khi nhiều khách hàng dù khá tiếc vì mất tiền, nhưng vẫn chấp nhận bởi với nguồn tài chính hạn hẹp, họ có thể mua xe ở phân khúc cao hơn, rộng rãi và tiện nghi hơn – thứ không có nếu mua xe mới vì chỉ được chiếc ở phân khúc thấp.
Thị trường ôtô Việt gặp nhiều biến động trong 2020. Nửa đầu năm, doanh số tháng sau liên tục giảm mạnh so với tháng trước vì những ảnh hưởng của Covid-19. Từ tháng 7 trở đi, khi có ưu đãi 50% trước bạ từ Chính phủ, thị trường bỗng đảo chiều sôi động trở lại, nhu cầu vượt quá khả năng cung ứng của các hãng xe, phần lớn nguyên nhân bởi linh kiện nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc không về kịp.
Càng về cuối năm, nhu cầu này càng tăng, khiến thị trường xe mới và xe cũ đều sôi động. Tuy vậy, các hãng ước lượng doanh số cả năm 2020 vẫn sẽ giảm khoảng 10-15% so với năm ngoái. Sang 2021, dự đoán sẽ tăng trưởng để quay lại mốc 2019 thậm chí cao hơn.
Nguồn: VnExpress