Off-road là gì?
Trong lĩnh vực ô tô, off-road là hoạt động lái xe băng qua những điều kiện đường có bề mặt gập ghềnh và hiểm trở như đường cát, sỏi đá, bùn lầy, đường đèo,… Như vậy, có thể hiểu đơn giản off-road là hoạt động xe băng qua các địa hình hiểm trở, không bằng phẳng và bình thường như đường đô thị.
Ô tô off-road có đặc điểm gì?
Hiện nay có rất nhiều loại ô tô được thiết kế riêng để phù hợp với điều kiện off-road hoặc xe trang bị chế độ lái off-road như Toyota Land Cruiser, Land Rover Range Rover, Mercedes-Benz G-Class, Ford F-150 Raptor,… Thông thường, xe off-road có đặc điểm sau:
– Kích thước bộ mâm xe lớn với bánh trước khoảng 21 inch, bánh sau 18 inch
– Lốp xe thường có gai to và được khóa chặt vào vành bằng bộ khóa lốp
– Động cơ thường nhỏ hơn xe bình thường
– Khung xe nhẹ với khoảng sáng gầm xe lớn
– Sử dụng hệ dẫn động 4 bánh 4WD.
Lái xe off-road nên chú ý điều gì?
Chú ý tốc độ
Với đường off-road, lái xe với vận tốc nhanh không phải là một lựa chọn lý tưởng. Cũng giống như khi bạn đang chạy trên đường đô thị nhưng chẳng may có ổ gà, nếu chạy quá nhanh thì xe sẽ va đập mạnh, có độ nảy lên cao, dễ gây mất lái và không an toàn. Đường off-road thậm chí còn khắc nghiệt hơn nên tài xế cần chú ý xử lý tốc độ.
Theo các chuyên gia kinh nghiệm lái xe, khi gặp những đoạn đường gập ghềnh và nhiều chướng ngại vật, người lái cần giảm tốc độ, tận dụng lực kéo lớn khi ở vòng tua thấp, giảm xóc và khéo léo băng qua để không làm tổn hại đến lốp xe và các bộ phận khác. Ngược lại, với những đoạn đường sình lầy, tài xế cần băng qua nhanh để tránh bị mắc kẹt lại.
Áp suất lốp xe không được quá căng
Lốp xe căng sẽ sinh ra lực ma sát tốt để giúp xe vận hành thoải mái trên các đoạn đường bằng phẳng. Tuy nhiên, với địa hình off-road thì ngược lại. Địa hình off-road có nhiều chướng ngại vật và hiểm trở nên tài xế cần giữ áp suất lốp ở mức thấp (75% so với bình thường) để tăng tiết diện tiếp xúc năng lượng từ lốp hấp thụ vào bề mặt chướng ngại vật, nhằm gia tăng độ bám đường, giúp xe không bị trơn trượt và mất lái.
Sử dụng số thấp
Sử dụng số thấp là một trong những cách giúp tài xế không bị mất phanh khi đi qua những đoạn đường xuống đèo và đổ đèo.
Nâng cấp giảm xóc
Bộ phận giảm xóc của xe đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định cho xe và an toàn cho người lái khi xe băng qua các địa hình khắc nghiệt. Bên cạnh đó, bộ giảm chấn cũng là bộ phận quan trọng góp phần to lớn trong vai trò này, do đó, để xe luôn hoạt động tốt, người lái cần trang bị bộ giảm xóc và giảm chấn chất lượng. Hiện nay cũng có nhiều hãng sản xuất bộ giảm chấn chuyên dùng phục vụ xe off-road.
Giáp gầm xe
Giáp gầm xe được hiểu đơn giản là trang bị một bộ bảo vệ gầm xe để giúp che chắn bảo vệ cầu xe, hộp số phụ, đáy thùng dầu động cơ,… Đây là những bộ phận dễ bị hỏng hóc nhất khi băng qua các địa hình off-road.
Chăm sóc phuộc xe sau mỗi chuyến đi
Khi xe vận hành trên những địa hình hiểm trở, gập ghềnh trong thời gian dài, phuộc xe sẽ chịu nhiều tác động mạnh và có thể xuống cấp, co giãn. Do đó, tài xế cần kiểm tra thường xuyên và chú ý chăm sóc phuộc sau mỗi chuyến đi.
Đơn giản là yêu
Thực tế, lái xe off-road chỉ dành cho người thực sự đam mê mạo hiểm, vượt địa hình và đặc biệt là không ngại tổn thất. Bởi khi xe vượt qua địa hình hiểm trở, những rủi ro về tổn thất xe là không tránh khỏi, do đó nếu bạn thực sự đam mê, hãy coi việc lái xe off-road là một thú vui hay một môn thể thao mạo hiểm để chinh phục. Ngược lại, nếu bạn lo ngại về sự hỏng hóc của chiếc xe hay va chạm khi hoạt động thì off-road không phải là lựa chọn khôn ngoan cho lắm.
Một số mẫu xe off-road tiêu biểu
– Toyota Land Cruiser
– Toyota 4Runner
– Land Rover Range Rover
– Mercedes-Benz G-Class
– Ford F-150 Raptor
– Jeep Wrangler
– Jeep Gladiator
– Chevrolet Colorado ZR2