Nước mát gồm nước tinh khiết/nước cất không chứa lẫn tạp chất, không dẫn điện nhưng nhiệt độ sôi chỉ ở mức 100 độ C vì thế người ta hòa thêm dung dịch ethylene glycol cùng một số phụ gia khác tăng nhiệt độ sôi, dẫn nhiệt của nước chống ăn mòn, đóng cặn trong quá trình hoạt động.
Trong khi đó, nước lã, nước suối hay nước khoáng dùng để uống, sinh hoạt lại chứa một số vi chất bổ sung, khoán chất và nếu hòa cùng nước mát vô tình tạo ra các phản ứng hóa học gây kết tủa tạo cặn bám vào thành đường nước một thời gian dài sẽ làm nghẹt đường ống, ăn mòn tại các vị trí khớp nối dẫn tới việc xe thường xuyên cảnh báo quá nhiệt.
Nhưng, nếu vô tình xe sôi két nước vì nhiều nguyên nhân mà lại không có nước mát dự phòng hay gara gần đó, chúng ta vẫn có thể sử dụng các loại nước này để châm thêm khắc phục tạm thời. Tốt nhất nên tìm loại nước tinh khiếp đóng chai từ các nhãn hiệu tên tuổi hoặc gần đó có tiệm thuốc tây ta có thể mua nước cất để châm thêm vào. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bạn nên đến các gara hoặc các trạm dịch vụ của bất cứ hãng xe nào để xúc rửa và thay lại toàn bộ nước mát mới.
Tại sao sôi nước mát, đèn báo nhiệt sáng
Việc sôi két nước thường gặp trên các dòng xe đời cũ, tuổi đời cao bởi sau thời gian hoạt động, các bộ phận như bơm nước hỏng, kẹt van hằng nhiệt khiến cho dòng nước mát không thể tuần hoàn làm mát. Hoặc quạt két nước bị hỏng bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài hoặc đã hết tuổi thọ. Ngoài ra trong quá trình vận hành có thể các đường ống mục do thời tiết, hay các mối nối lỏng lẻo dẫn đến việc hạo hụt nước mát.
Hiện nay còn một nguyên nhân khác, mà ngay cả xe đời mới dễ mắc phải chính là lọt khí từ buồng đốt vào đường nước. Hiện tượng này rất khó phát hiện, bởi chỉ xảy ra khi động cơ hoạt động quá lâu, nhiệt độ nước vượt ngưỡng 100 độ C trong một thời gian dài hậu quả là thổi gioăng mặt máy, cong mặt máy, hở gioăng kim phun… từ đó khí cháy từ buồng đốt lọt vào đường nước làm cho nước sôi rất nhanh.
Nguyên nhân này thường xảy ra vào mùa hè và tại các thành phố lớn, nơi hạ tầng giao thông đông đúc, kẹt xe thường xuyên khiến luồng gió làm mát tự nhiên không có, phải làm mát bằng gió cưỡng bức.
Làm gì khi sôi két nước
Nguyên tắt đầu tiên khi xe gặp bất cứ sự cố gì đều phải ra tín hiệu cảnh báo và từ từ chuyển hướng vào lề sau đó đặt các dấu hiệu thông báo như bảng phản quan. Với xe sôi két nước, nếu đèn báo nhiệt sáng, khói bốc lên, việc cần làm là tắt hết các thiệt bị như máy lạnh, đầu giải trí và đánh xe vào lề, tắt máy xe.
Mở nắp capo, tuyệt đối không xối nước vào động cơ, kiểm tra mực nước tại bình phụ và không được mở nắp két nước bởi nước mát sẽ bắn lên gây phỏng tay rất nguy hiểm.
Nếu nước mát bị thiếu hụt tại bình phụ, cần tìm kiếm nguồn nước bổ sung (nước tinh khiếp, nước cất) châm vào tới mức LOW và FULL. Sau đó chờ khoảng 30 phút, để động cơ nguội dần, dùng khăn dày, nhẹ nhàng vặn mở nắp châm thêm nước và vặn lại. Một mẹo nhỏ, hãy sờ vào đường ống, nếu thấy còn cứng thì khoan mở vội và ngược lại.
Sau đó đề máy lên chạy không tải để dòng nước châm thêm tuần hoàn đồng thời theo dõi kim đồng hồ nhiệt nếu không còn ở vạch đỏ bạn có thể tiếp tục chuyến hành trình.
Trong trường hợp xe vẫn tiếp tục báo lỗi nhiệt, có thể kiểm tra lại jack cắm quạt hoặc có thể van hằng nhiệt xe có vấn đề. Lúc này bạn cần gọi bảo hiểm hoặc gọi về trạm dịch vụ để nhận được sự tư vấn giúp đỡ từ người có chuyên môn.
Nhưng nếu xe bạn là xe mới, hoạt động bình thường, mới chạy 1 – 2 năm hoặc dưới 50.000km hoặc đã qua những lần bảo dưỡng lớn những đột ngột sôi két nước, báo nhiệt chứng tỏ xe bạn đang có vấn đề cần kiểm tra lại tổng thể chứ không phải thay mới nước mát là xong.
Tuổi thọ của nước mát, khi nào cần thay mới
Không có một quy chuẩn nào về việc thay nước mát, việc thay thế phụ thuộc vào cách vận hành cũng như tình trạng giao thông nơi bạn sống. Tại các thành phố lớn, giao thông đông đúc bạn nên thay thế sau mỗi 45.000 – 50.000km hoặc sau 2 – 3 năm nếu xe bạn ít vận hành. Đồng thời bạn cũng nên kiểm tra mức nước mát theo chu kì 2 tháng lần để đảm bảo không có sự hao hụt. Việc hao hụt nước mát có thể khiến xe vận hành ì ạch, hao xăng, gằn máy,… thậm chí mặt quy-lát có thể bị cong vênh, bó máy do dãn nhiệt.
Có bao nhiêu loại nước mát
Thực tế, tại Việt Nam có 3 loại phổ biến gồm: nước làm mát màu xanh, nước màu hồng (SLLC) và nước màu đỏ (LLC).
– Nước màu xanh: là loại phổ biến nhất, bởi chỉ cần đổ trực tiếp, không cần pha thêm nhưng tuổi thọ ngắn được kiến nghị thay sau mỗi 2 năm vận hành trong điều kiện thông thường.
– Nước màu đỏ (LLC): được pha với nước tinh khiết, nước cất theo tỉ lệ 1:1, loại này có tuổi thọ dài hơn khoản 5 năm hoặc 80.000km cho lần đầu và sau mỗi 40.000km tiếp theo.
– Nước màu hồng (SLLC): loại mắc nhất thường dùng cho các xe cao cấp, siêu sang hoặc xe thể thao, chỉ cần đổ trực tiếp như loại màu xanh nhưng lại cho thời gian sử dụng lên đến 160.000km và sau mỗi 80.000km cho lần sau.
Giá cả của các loại nước mát phụ thuộc và thương hiệu cũng như phân loại nước mát. Nếu nhu cầu không quá cao bạn chỉ cần chọn loại nước mát màu hồng cho hiệu quả tốt nhất về mặt kinh tế cũng như hiệu năng giải nhiệt.
Lưu ý:
Nếu bạn muốn đổi loại nước mát bạn cần phải xúc sạch, xả hoàn toàn nước cũ để tránh việc kết tủa, đóng cặn đường ống. Việc thay thế nước mát tương đối phức tạp nếu không đủ kinh nghiệm hoặc dụng cụ bên nên ra ngoài gara, trạm dịch vụ để tiến hành thay thế tránh mất thời gian cũng như tiền bạc.