Nhắc tới những bộ đồ bảo hộ có thể kể đến hàng ngàn thương hiệu từ thấp đến cao như Givi, Alpinestars,… hay những bộ thửa riêng từ những hãng mô tô nổi tiếng từ vài triệu thậm chí cả trăm triệu. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện để sở hữu nó, nhưng đừng lo ngay cả những bộ đồ thường ngày trong tủ quần áo vẫn có thể đáp ứng được yếu tố bảo vệ khi có va chạm, chỉ cần biết phối đồ là có thể tạo ra một cá tính riêng của mình.
Đừng mang giày da, giày vải là tối ưu
Đây là thứ bắt buộc phải có, đành rằng không phải ai cũng dễ chịu khi xỏ chân vào đôi giày kín bưng, nhưng nó lại có tác dụng bảo vệ rất tốt nếu chẳng may té ngã, tránh được trầy xước hay chấn thương cổ chân.
Có thể tận dụng những đôi giày thể thao, hoặc những đôi sneaker kèm theo một bộ lót đế để tạo cảm giác thoải mái khi mang trong thời gian lâu. Ngày nay những thương hiệu lớn như Adidas, Nike,… đều có những đợt giảm giá nếu chịu canh có thể chọn những đôi ưng ý với mức giá chưa đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên nếu có thể hãy chọn một đôi giày cổ cao, để bảo vệ tốt hơn phần cổ chân khi té ngã, tránh chọn giày da bởi nó sẽ kín hơn và bảo quản cực hơn so với những đôi giày vải. Tuyệt đối không mua những đôi giày fake bởi chất lượng không đảm bảo có thể làm ảnh hướng đến chuyến đi của bạn.
“Bữa mà tui mang dép là xong bộ móng rồi, hay sao bữa đó mang đôi giày để chụp hình cho đẹp thì ai ngờ đổ đèo bị trượt bánh, chân nó chà dưới đường, may mà hư đôi giày không thì nát luôn bàn chân” một phượt thủ chia sẻ.
Tận dụng quần áo, găng tay từ tủ đồ
Với quần thì rất dễ chọn, quần vải jean vào mùa lạnh hay kaki dày một chút vào mùa nóng là lựa chọn cực kỳ hợp lý bởi giá không quá cao, lại rất dễ mua. Nhất là quần jean rất khó rách, lỡ chẳng may có thể cắt bỏ phần rách tạo kiểu cũng rất hợp thời trang.
Còn với áo nên lựa áo có chất liệu thấm hút tốt, và khô nhanh bởi nó sẽ tạo cảm giác thoải mái không nóng nực khi di chuyển dài. Có thể chọn những thương hiệu local brand có mức giá khoảng vài trăm ngàn nhưng chất lượng vẫn không thua gì áo hiệu nước ngoài.
Ngoài ra nên có thêm một áo khoác gió không chỉ nhẹ, thoáng mà còn chống nắng, gió rất tốt, một số loại còn có thêm khả năng kháng nước có thể chống thấm tốt khi đi dưới mưa nhỏ. Ngay cả những bộ đồ bảo hộ hàng xịn cũng phải bó tay trước những cơn mưa lớn khó chống nước hoàn toàn.
Mặc dù đã có áo khoác nhưng vẫn nên có thêm một bao tay cho cánh tay để hạn chế thấp nhất các tác động của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra nên có thêm một găng tay loại tốt để ko bị nhão cao su khi cầm lái thời gian dài. Cũng nên trang bị thêm các món đồ như bó gối và và bó cổ tay để lỡ chẳng may bị té ngã thì nó sẽ hấp thụ lực va đập hạn chế tổn thương cho các bộ phận này.
Đầu tư vừa đủ cho nón bảo hiểm, kính bảo hộ
Ngoài các món đồ trên, thì nón bảo hiểm là thứ cần có, nên chọn loại fullface để bảo vệ toàn diện hơn phần đầu của mình. Mức giá của loại nón này tương đối cao từ 1 đến vài chục triệu đồng nhưng chỉ nên chọn loại 1-2 triệu đồng là hợp lý.
Yếu tố quan trọng nhất của một cái nón fullface tốt ngoài chất lượng chính là kích cỡ hợp với cỡ đầu, đảm bảo sự thoải mái, thông gió tốt. Tất nhiên ở mức giá tầm thấp thì kiếng của fullface chỉ ở mức chống gió, thế nên một kính mát vài chục ngàn với lớp phản quang sẽ giúp chống chói tốt hơn khi di chuyển ngược nắng hoặc đèn pha từ xe lớn. Và tốt nhất nên ra các cửa hàng để thử size không tự ước lượng tại nhà.
Đấy, không cần nhất thiết phải sử dụng những bộ đồ đắt tiền cả chục triệu đồng, những món bộ quần áo, vật dụng trong tủ đồ đã có thể cho bản thân một bộ phượt hữu hiệu. Nếu có thêm khiếu thời trang, phối đồ sẽ giúp bạn trở nên cá tính hơn khi chụp ảnh cùng bạn đồng hành. Tuyệt nhiên không sử dụng những bộ đồ fake, rẻ tiền bởi nó chỉ có tác dụng ngầu, công dụng bảo vệ hầu như rất ít hoặc không có, ngoài ra các yếu tố như độ thông thoáng, chống nước cũng không hiệu quả khiến người lái trở nên khó chịu. Nên ưu tiên yếu tố “rẻ mà chất” hơn là “đẹp và rẻ”.