1. Trang bị an toàn
Hệ thống túi khí
Túi khí ô tô được phát triển để giảm thiểu và hạn chế những chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra trong trường hợp xảy ra va chạm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh nghiệm mua bán xe, không phải tất cả các túi khí được trang bị trên ô tô đều được kích hoạt cùng lúc khi có va chạm mà trong mỗi trường hợp nhất định, loại túi khí phù hợp mới hoạt động.
Tại Việt Nam, hầu hết các mẫu xe hơi đều trang bị tối thiểu một túi khí trước cho người lái nhưng tùy vào nhà sản xuất mà mỗi mẫu xe sẽ được trang bị thêm các túi khí bên phụ, túi khí sườn, túi khí đầu gối hay túi khí trên dây đai an toàn.
Dây đai an toàn
Bên cạnh túi khí, dây đai an toàn là bộ phận bắt buộc và không thể thiếu trên tất cả các mẫu xe hơi. Dây đai an toàn có chức năng cố định người trong xe trên ghế để tránh va đập trong nhiều tình huống bất ngờ. Đặc biệt, trong các trường hợp xảy ra sự cố, dây đai an toàn cũng góp phần giúp người trong xe cố định đúng vị trí túi khí bung, giảm thiểu chấn thương khi va đập vào các bộ phận trong xe, đặc biệt là phần vai và thân.
Mặc dù tất cả các mẫu xe hơi hiện nay đều có dây đai an toàn là trang bị bắt buộc nhưng khi khách hàng mua xe cũng cần lưu ý đến mức độ thoải mái khi sử dụng.
2. Công nghệ an toàn
Hỗ trợ phanh khẩn cấp BA (Brake Assist)
Hệ thống phanh BA được cấu tạo từ cảm biến kiểm soát trạng thái bàn đạp phanh, bộ phận khuếch đại lực phanh bằng khí nén và các van điện được điều khiển bởi ECU trung tâm. Nguyên lý hoạt động của hệ thống này là khi cảm biến nhận biết tài xế phanh khẩn cấp, bộ xử lý trung tâm kích hoạt van điện cấp khí nén vào bộ khuếch đại lực phanh và tự động tạo ra lực phanh đủ mạnh và dừng xe kịp thời. Tính năng này thường kết hợp với tính năng phân bổ lực phanh điện tử EBD để giúp xe cân bằng tốt hơn trong quá trình phanh và dừng xe.
Phân bổ lực phanh điện tử EBD (Electronic Brake Distribution)
Khi xe trang bị tính năng phân bổ lực phanh điện tử, máy tính trung tâm xe sẽ tự động tính toán dựa trên các thông số về tốc độ, tải trọng xe và độ bám đường để từ đó tự động phân bổ lực phanh tới các bánh xe, đảm bảo xe dừng một cách cân bằng nhất. Thông thường, có nhiều tài xế nhầm lẫn chức năng của Phân bổ lực phanh điện tử EBD và Hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Tuy nhiên, ABS hoạt động với mục đích giúp tài xế kiểm soát tay lái, hạn chế sự trượt lết của bánh xe khi phanh phanh khẩn cấp. Do đó, EBD và ABS đều là hai tính năng hỗ trợ đắc lực cho xe trong quá trình phanh.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-lock Brake System)
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS có chức năng kiểm soát hướng lái, chống hiện tượng trượt khi phanh gấp và giúp quá trình phanh xe diễn ra trơn tru, an toàn. Hệ thống hoạt động bằng cách rung giật chân phanh để báo cho tài xế và chỉ được kích hoạt trong những tình huống phanh khẩn cấp.
Hệ thống cân bằng điện tử ESC (Electronic Stability Control)
Bên cạnh hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp BA thì hệ thống cân bằng điện tử ESC cũng là tính năng an toàn quan trọng đối với xe hơi. Hệ thống có chức năng đảm bảo sự cân bằng và ổn định của xe trong mọi tình huống, đặc biệt là giảm thiểu tình huống văng đầu, văng đuôi xe hay lật xe.
Trong trường hợp tài xế đánh dư lái đột ngột thì hệ thống ESC cũng có khả năng can thiệp, tự động chuyển hướng và lấy lại cân bằng cho xe. Hệ thống này không chỉ hoạt động khi xe vận hành trong điều kiện đường ẩm ướt hay băng giá mà còn hoạt động tốt ngay cả khi xe tăng tốc, vào cua.
Hệ thống chống trượt TRC (Traction Control System)
Hệ thống chống trượt có chức năng đảm bảo xe vận hành ổn định và đúng hướng trong các điều kiện mặt đường trơn trượt, độ bám kém. Cụ thể, cảm biến điện tử được lắp đặt trên xe có khả năng nhận biết tình trạng bám đường của lốp xe để điều chỉnh lực kéo giữa các bánh xe phù hợp và giữ xe luôn ở trạng thái cân bằng.
Cảm biến khoảng cách
Có rất nhiều người nhầm lẫn chức năng của cảm biến khoảng cách và camera lùi. Trên thực tế, hai hệ thống này có chức năng tương tự nhau nhưng không giống nhau. Cảm biến khoảng cách giúp tài xế xác định và cảnh báo khoảng cách không an toàn, khả năng va chạm với những phương tiện xung quanh, trong khi đó camera lùi giúp cảnh báo chướng ngại vật phía sau xe trong khu vực ngoài tầm quan sát của tài xế. Ngoài chức năng giảm thiểu va chạm, cảm biến khoảng cách cũng là tính năng đắc lực hỗ trợ người lái đỗ xe an toàn.
Cảnh báo điểm mù (Blind Spot Monitoring)
Hệ thống cảnh báo điểm mù chủ động hoạt động dựa trên sự kết hợp của radar, camera và nút cảm biến, có tác dụng theo dõi các vị trí khuất tầm nhìn xung quanh xe và cảnh báo tài xế khi phát hiện có phương tiện di chuyển ở khu vực này. Trên những mẫu xe bình dân, hệ thống sẽ thông báo tới người lái thông qua âm thanh hoặc đèn sáng. Tuy nhiên, hiện nay, với những dòng xe sang, hệ thống cảnh báo này có khả năng tối ưu hơn thông qua rung vô-lăng, phanh tự động hoặc phát tín hiệu cảnh báo với những phương tiện xung quanh.
Cảnh báo áp suất lốp (Tire Pressure Monitoring System)
Hệ thống cảnh báo áp suất lốp có chức năng chính là theo dõi áp suất không khí bên trong lốp xe hơi và thực hiện nhiệm vụ cảnh báo cho tài xế khi áp suất lốp không đạt yêu cầu (dưới 25% áp suất tiêu chuẩn cho phép), tránh tình trạng xe nổ lốp. Khi một trong bốn lốp không đạt yêu cầu, hệ thống này sẽ thông báo cho người lái thông qua đèn sáng ở bảng đồng hồ. Ngoài chức năng hạn chế nổ lốp xe, hệ thống cảnh báo áp suất lốp cũng giúp bảo vệ tuổi thọ lốp xe, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng xe và tiết kiệm nhiên liệu.
Camera lùi (Backup camera)
Camera lùi hay camera chiếu hậu là một loại camera đặc biệt có chức năng hỗ trợ góc nhìn giúp tài xế có thể quan sát các góc khuất và bao quát góc rộng toàn bộ con đường. Nhờ chức năng này, tài xế có thể chủ động giám sát những không gian ngắn xung quanh xe, xử lý kịp thời và tránh va chạm với những phương tiện khác. Bên cạnh đó, camera lùi còn giúp tài xế đậu xe dễ dàng hơn ở khoảng cách giới hạn. Camera lùi được gắn phía sau xe và kết nối với màn hình hiển thị ở phía trước xe.
Nguồn Ảnh: Internet