Việt Nam là xứ nhiệt đới nên mưa hàng năm là rất lớn, thêm vào đó, hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước chưa đáp ứng được yêu khiến tình trạng ngập cao khi mưa xuống thường xuyên xảy ra ở các thành phố lớn.
Mùa bão lũ tại các tỉnh miền Trung và Bắc Bộ bắt đầu vào tháng 7 hàng năm và cao điểm vào tháng 8 trong khi đó ở Nam Bộ thường xuyên có mưa lớn vào cuối giờ chiều nên tình trạng ngập các tuyến đường không hiếm gặp. Do vậy, người sở hữu ô tô cần có những kiến thức nhất định, tránh tổn thất quá nhiều.
Một thợ sửa chữa ô tô chia sẻ về rủi ro gặp phải với ô tô đồng thời khuyến cáo những biện pháp xử lý.
Rủi ro gặp phải với ô tô:
Có thể tùy tình trạng ngập xe đến đâu nhưng nhìn chung ô tô bị ảnh hưởng đó là phần động cơ máy móc, hệ thống điện và nội thất.
* Đối với động cơ, máy móc: ngập nước có thể sẽ khiến các ổ bi lọt cát và chất bẩn khiến hỏng, vỡ bi. Xe ngập sâu đến nắp capo có thể gây hiện tượng thủy kích làm máy hỏng và có thể phải thay tay biên thậm chí là thay toàn bộ động cơ. Có trường hợp nước tràn vào xi lanh khiến bộ phận này có thể bị gỉ sét dẫn đến việc xe hoạt động tiêu hao rất nhiều nhiên liệu.
* Đối với hệ thống điện, giải trí: Đây là hệ thống rất nhạy cảm với việc xe bị ngâm nước bởi trên ô tô hiện nay được trang bị rất nhiều chip, cảm biến, ngập nước khiến các bộ phận này có thể bị lỗi dẫn đến các báo lỗi ở các bộ phận trên xe hoặc các chức năng điện tử hoạt động sai lệch dễ xảy ra.
* Đối với nội thất: Bị bẩn là điều tất nhiên, đặc biệt là các xe có nội thất bọc nỉ, vải… khi bị ngập nước thiệt hại rất nặng bởi các chất liệu này ngấm nước và lưu các bụi nhỏ rất chặt. Hệ thống giải trí như các loa cũng dễ dàng bị hỏng các màng loa.
Lái xe trên đường ngập và xử lý với xe bị ngập:
Tùy tình trạng ngập và mẫu xe bạn sở hữu là Sedan hay các xe gầm cao khác mà có thể xác định mức ngập đến đâu xe để đưa ra quyết định đi tiếp. Với các mẫu xe thông dụng hiện nay thì mức ngập khoảng 20cm thì xe có thể vận hành an toàn. Lưu ý khi lái xe cần đi tốc độ chậm, ở mức số thấp để tăng khả năng vận hành của xe đồng thời tránh tình trạng nước tạt vào các bộ phận động cơ xe và cả những người đi đường.
Nên tắt các hệ thống giải trí và điều hòa nhiệt độ vì đây là các hệ thống dễ tổn thương nhất nếu xe ngập nước.
Nếu xe “chết máy” khi đang vận hành trong điều kiện ngập nước thì cần tránh cố gắng khởi động xe vì có thể xảy ra hiện tượng “bó máy” do có nước trong động cơ (hiện tượng này còn do dùng xăng kém chất lượng kết hợp với người lái ép ga ép số; động cơ làm mới nhưng thường xuyên chạy tốc độ cao; Nhớt kém chất lượng…). Gặp trường hợp này nên gọi cứu hộ hoặc các Garage có thợ hiểu biết xử lý.
Khi xe bị ngập sâu cần tránh việc mở cửa ô tô khiến nước tràn mạnh vào khoang nội thất và rất khó để xử lý sau này. Một động tác cần làm đó là tháo đầu cáp cực âm của ắc quy để tránh hiện tượng chập mạch mạch. Kiểm tra thăm dầu, lọc dầu và hệ thống xăng để làm sạch ngay khi phát hiện có nước lọt vào các hệ thống này.
Đây là một số tình huống cơ bản với xe bị ngập nước và vận hành trong điều kiện ngập. Có thể còn có các trường hợp khác diễn ra và điều nên làm là tránh tự sửa chữa mà nên gọi tới các đơn vị cứu hộ hoặc garage để được tư vấn cách xử lý khoa học nhất.