Nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng
Câu “nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng” là quy tắc giao thông khi đi qua đường giao nhau mà không có tín hiệu. Nhất chớm tức là xe ô tô nào chớm tới vạch trước thì được đi trước. Nhì ưu: xe ưu tiên được đi trước. Xe ưu tiên theo luật định là các xe đi theo thứ tự sau: Chữa cháy – Quân đội – Công an – Cứu thương – Hộ đê…
Sau xe ưu tiên xét đến “tam đường”. Tam đường: xe ở đường chính, đường ưu tiên thì được đi trước. Cuối cùng đến “tứ hướng”. Tứ hướng: thứ tự ưu tiên theo hướng đi, xe rẽ phải ưu tiên đi trước, sau đó tới đi thẳng, rẽ trái.
Tài xế chú ý quan sát khi lái xe ô tô ở đường giao nhau.
Tuy nhiên, khẩu quyết này không còn được nhiều người ủng hộ.Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định cụ thể quy tắc qua đường giao nhau như sau:
Điều 24: Nhường đường tại nơi đường giao nhau
Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
Mưa bớt phanh, nắng bớt ga
“Mưa bớt phanh” tức là khi trời mưa tài xế nên hạn chế sử dụng phanh vì rất dễ xảy ra hiện tượng trượt phanh. “Nắng bớt ga” ý nói khi trời nắng có thể gây chói mắt, hơn nữa khi đường khô ráo nên giảm bớt chân ga vì tốc độ có thể vụt lên rất nhanh.
Xuống phà, xe trước, người sau. Lên phà, người trước, xe sau an toàn
Xuống phà là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi tài xế phải di chuyển rất cẩn thận và cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tài xế và người điều khiển phà. Câu khẩu quyết trên muốn nhấn mạnh quy tắc lên xuống phà an toàn. Khi xuống phà, mình tài xế đánh xe xuống trước, sau đó mới là hành khách.
Khi lên phà, tài xế chờ cho hành khách di chuyển lên trước đến điểm an toàn. Sau đó tài xế đánh xe một mình lên dốc. Cả 2 trường hợp trên đều nhằm giảm thiểu tối đa nguy hiểm trong những trường hợp như mất phanh, mất kiểm soát vô lăng hoặc đường trơn trượt…
Xuống phà, xe trước, người sau. Lên phà, người trước, xe sau an toàn.
Tài xế nên chú ý phối hợp với người điều khiển phà khi lên, xuống phà để xuống đúng vị trí và có thể chỉnh được tay lái khi rơi vào điểm mù.
Nhất chạng vạng, nhì rạng đông
Câu này trước đây được dùng để chỉ nghề câu. Sau đó, những tài xế lâu năm đã chuyển thành câu khẩu quyết ám chỉ những lúc nguy hiểm cho lái xe. Đây là hai thời điểm mà tài xế khó quan sát nhất trong ngày. Chạng vạng và rạng đông là hai thời điểm sáng tối phân tranh nên mắt không thể quan sát đường một cách dễ dàng.
Ngoài ra, lúc chạng vạng cũng là lúc mọi người kết thúc công việc của một ngày ( 5-7 giờ) nên cơ thể thể cảm thấy mệt mỏi vì vậy mà rất dễ xảy ra hiện tượng “quáng gà” (mù tạm thời). Rạng đông (3 – 4 giờ) là lúc con người chìm vào giấc ngủ sâu nhất nên nếu lái xe sẽ rất dễ buồn ngủ.
Qua vai đánh lái
Qua vai đánh lái được hiểu là khi bạn rẽ, nếu mép đường qua vai thì mới được đánh lái. Khi học ở trên trường, thầy giáo có hướng dẫn chúng ta là khi muốn rẽ trái hay phải ở một nơi đường giao nhau, nên để xe tiến cho tới khi vai tài xế qua mép đường vuông góc rồi mới đánh lái.
Kết luận: Những khẩu quyết được các tài xế truyền tai nhau chủ yếu được dựa trên kinh nghiệm lái xe. Do vậy, các tài xế nên học thuộc để vận dụng khi tham gia giao thông. Chú ý, các khẩu quyết không nên áp dụng một cách máy móc mà nên vận dụng dựa trên điều kiện thực tế.
(Nguồn ảnh: Internet)