Cái từ “cảm giác” ở đây là cách mà cái xe phản hồi theo ý muốn của chúng ta. Mình đã rất nhiều lần chia sẻ trong các clip review là một cái xe lái hay thì nó phải như bộ phận cơ thể của chúng ta vậy. Cái xe nào mà mình ra lệnh, nó trả lời ngay thì nó là cái xe lái hay. Còn cái xe nào lừ đừ hay thân xe lắc lư (squat) hết mấy nhịp thì xe đó chưa hay.
Việc gắn thanh cân bằng là một trong những biện pháp Embrace, tức là gia cố khung gầm xe chắc chắn hơn. Mục tiêu là làm cái xe lanh hơn. Để dễ hiểu thì cái xe nguyên bản nó như một thằng béo phì với phản ứng thân xe nặng nề, chậm chạp. Bây giờ ta gắn mấy cái thanh cân bằng vào thì giống như bổ sung cơ bắp để cái xe biến thành thằng lực sĩ, múi nào ra múi đó. Kết quả là chiếc xe sẽ nhạy cảm hơn với mệnh lệnh từ vô lăng (input) của thằng lái. Vê phát là thân xe nó đi theo ý mình liền, chứ chẳng lừ đừ mất mấy nhịp do những chuyển động dư thừa trước đây nữa. Tới đây vẫn chưa hiểu thì kiếm 1 thằng béo với 1 thằng 6 múi ra chạy đua với nhau để cho dễ hình dung nhé.
Việc các hãng xe thường không gắn sẵn thanh giằng/thanh cân bằng cho xe từ lúc xuất xưởng đơn giản là vì nó sẽ có cái giá phải trả. Bên cạnh việc nó làm tăng thêm chi phí sản xuất, thì việc gia cố độ cứng khung xe cũng sẽ làm tăng độ rung của xe và giảm độ thoải mái của hệ thống treo. Thế nên những chiếc xe phổ thông, hướng đến tiêu chí thỏai mái thường không gắn sẵn chi tiết này. Trừ một số hãng xe cao cấp và làm xe tập trung cho cảm giác lái thì mới trang bị từ lúc xuất xưởng, như BMW chẳng hạn.
Vậy liệu thanh cân bằng có làm tăng độ bám đường (Road Holding) của cái xe? Câu trả lời là có, nhưng không nhiều. Thường là cải thiện khoảng 0,01-0,03 g là mừng lắm rồi. Nhiêu đó vẫn chưa đủ biến cái Elantra thành Bim 3 hay xe thể thao được.
Lý do nó cải thiện một ít độ bám đường là do khi gia cố khung xe thì các thanh cân bằng cũng sẽ làm giảm độ nghiêng thân xe khi vào cua. Tới đây hơi phức tạp xí nên mình sẽ giải thích thêm.
Khi vào cua, lực ly tâm sẽ khiến thân xe thường bị xô về hướng ngoài góc cua và tạo ra hiệu ứng nghiêng thân xe, thậm chí là lật xe. Lúc này, trọng lượng của xe sẽ dồn lên 2 bánh bên ngoài góc cua, đè 2 bánh này nhiều hơn và giúp 2 bánh này có độ bám tốt. Còn 2 bánh bên trong góc cua thì ngược lại, không có trọng lượng đè nhiều nên sẽ mất độ bám.
Việc giảm độ nghiệng thân xe đồng nghĩa với việc giảm sự chuyển dịch trọng lượng theo phương ngang của xe và duy trì mức phân bố trọng lượng đồng đều ở các bánh. Tứ đó, cả 4 bánh xe sẽ duy trì được độ bám với mặt đường hiệu quả nhất. Đừng quên việc 4 bánh cùng bám ở mức 80% tại mỗi bánh vẫn tốt hơn là chỉ có 2 bánh bám được 95% ở mỗi bánh.
Tới đây vẫn chưa xong. Không phải cứ xe nào gắn thanh giằng lên là sẽ auto lái ngon, đầm chắc. Mình thấy số đông thường mắc một sai lầm là gắn strut bar ở cầu trước cho xe cầu trước FWD vì thiếu hiểu biết. Kiểu như đáng lẽ phải lên cơ mông mà lại “đắp” nhầm vô cơ ngực vậy đó. Dễ tổ trác lắm.
Về lý thuyết, xe cầu trước thường hay xảy ra tình trạng thiếu lái (understeer) nếu vượt quá giới hạn bám đường của xe khi vào cua. Việc gắn thanh giằng làm đầu xe quá cứng (stiff) sẽ xảy ra khả năng làm hiện tượng understeer này trầm trọng thêm. Thế nên với chiếc xe cầu trước của mình, trước khí gắn thanh giằng thì mình đã lắp bộ phuộc chỉnh được độ cứng mềm và mình chỉnh 2 cây phuộc sau ở mức cứng hơn 2 cây phuộc trước để hạn chế tình trạng understeer.
Vụ này liên quan tới môn Động năng học (Dynamic) của chiếc xe nên khi nào có thời gian mình sẽ chia sẻ sau vì nó khá phức tạp. Tới đây thì mình muốn anh chị em hiểu đúng về công dụng của thanh giằng hay thanh cân bằng. Tóm lại là nó sẽ cải thiện ở mặt Cảm Giác là chính. Tức là nó sẽ giúp cho anh em cảm nhận chiếc xe trực tiếp hơn, cảm thấy tự tin hơn khi chạy nhanh, nhưng đừng lầm tưởng là xe anh em sẽ có độ bám đường hay khả năng chặt cua của xe đua.