Không có con đường nào là hoàn hảo, dưới các tác động thời tiết, ngoại lực từ các phương tiện khiến bề mặt đường nứt vỡ dần dần hình thành các hố nhỏ gọi là ổ gà, nếu không xử lý kịp thời dần dần trở thành ổ voi.
Không chỉ trên thế giới, mà tại Việt Nam, khi chất lượng đường chưa đồng bộ thì ổ gà gần như là đặc sản của đường xá nước ta, chưa kể các nắp cống, mố cầu chưa hoàn thiện tạo thành các chướng ngại vật trên đường đi. Vì thế, cánh tài xế thường nói vui rằng: “Đến Việt Nam mà không gặp ổ gà thì coi như chưa đến”.
Nếu trong một chuyến đi, vô tình sụp ổ gà, hay đi tốc độ cao qua các mố cầu bên nên nhanh chóng kiểm tra các bộ phận, kết cấu để chắc chắn không có sự cố nào nguy hiểm.
Lốp xe
Là bộ phận tác động nhiều và nhanh nhất, ngay cả việc bơm áp suất lốp đúng cũng đảm bảo an toàn cho chiếc xe khi đi qua ổ gà.
Nếu bạn không bơm đủ áp suất lốp, khi đi qua ổ gà bạn sẽ cảm thấy rất êm, nhưng rất dễ bị phù vỏ, cấn thậm chí là nứt mâm bởi áp suất không khí quá ít để hấp thụ lực va chạm.
Nếu bánh xe quá căng, nguy cơ tét lốp rất cao ngay khi sụp ổ gà, chỉ cần một cạnh cứng là có thể nổ lốp dẫn tới mất lái gây tai nạn.
Bởi thế, trước khi đi một hành trình dài, nên kiểm tra đầy đủ áp suất lốp theo khuyến nghị của nhà sản xuất thường được in ngay cửa xe.
Cụm bánh xe
Cụm bánh xe bao gồm mâm, moay ơ, đế vành, ở trục,… đôi khi bạn phi qua ổ gà, lốp xe hoàn toàn không có biểu hiện gì nhưng xui rủi vành xe có thể có tác động bị méo, bi lăn ổ trục vỡ. Những ảnh hưởng này rất khó phát hiện liền chỉ có thể nhận thấy khi ảnh hưởng nặng.
Trong một hành trình dài, nếu bạn đã sụp ổ gà, bay mố cầu nhiều lần thì bạn nên đến xưởng, trạm dịch vụ để kiểm tra lại để khắc phục kịp thời, nếu không chi phí hồi phục rất đắt khi đã muộn.
Hệ thống treo
Nhiều người lầm tưởng, hệ thống treo của các xe gầm cao cuv/suv thường rất cứng chắc, nên thường ỷ y không ngại ổ gà. Thực tế, mọi hệ thống treo điều có giới hạn xử lý. Thế nên khi nghe tiếng cụp cụp khi qua ổ gà tức là hệ thống treo gồm phuột – lò xo đã hết hành trình giảm chấn.
Theo nhiều nghiên cứu, thì sau một cú va chạm mạnh, có thể gây ra một loạt các vấn đề như sai lệch thước lái, các thanh liên kết có thể biến dạng, thậm chí là lệch khỏi ví trí do tác động quá mạnh. Thông thường bạn có thể nhận biết được thông qua các dấu hiệu như:
- Vô lăng lệch, xe đi xéo, không thể đi thẳng, cảm giác lỏng lẻo, lốp xe mòn không đều.
- Tiếng lụp cục phát ra liên tục, xoay vô lăng phát ra những tiếng động lạ.
- Đánh lái khác bình thường, xe nghiên sang một bên.
Tất nhiên đó chỉ là những dấu hiệu khi đã gần sắp bị thiệt hại nặng. Vì thế, nên tìm một nơi tin cậy, đủ đồ nghề chuyên dụng hoặc có kinh nghiệm để kiểm tra lại toàn bộ. Đôi khi các xưởng dịch vụ chỉ dựa vào các máy đọc lỗi khó mà xác định chính xác được các thiệt hại cơ khí.
Hệ thống lái
Chắc chắn sau nhiều lần va vấp, thước lái sẽ có độ lệch, tất nhiên là bạn không thể nào cảm nhận ngay được, cho tới khi lệch lái quá nhiều.
Ngay cả khi bạn leo lề, đánh lái gấp quá nhiều cũng dẫn tới hiện tượng này. Tuy nhiên đây là 1 bộ phận buộc phải canh chỉnh theo thời gian với mức giá tương đối hợp lý.
Các bộ phận dưới gầm xe
Các bộ phận như chắn gầm nhựa, bình xăng, pô xe là những linh kiện rất dễ bị ảnh hưởng nếu có sụp ổ gà quá năng, đôi khi bị rớt, nứt đối với các xe đời cũ một phần do hao mòn theo thời gian cùng với ảnh hưởng của nhiệt độ.
Với bình xăng hoặc che gầm bạn có thể nhân biết ngay. Còn với ống pô, có thể cảm nhận bằng việc xe có phần yếu hơn, có những ồn dội vào khoan lái tệ hơn là khí xả lọt vào buồn lái gây ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe.
Không phải cứ đi bán tải, suv là không ngại đường xấu. Mọi chi tiết trên xe đều có những giới hạn nhất định. Để hạn chế những hư hỏng, hãy chủ động né hoặc giảm tốc khi gặp ổ gà mố cầu hay đường xấu mấp mô để tăng tuổi thọ cho các bộ phận này cũng như đảm bảo an toàn khi lưu thông.