Công nghệ chống bó cứng phanh ABS hiện là ứng dụng quen thuộc trên xe hơi và cả xe máy, nhưng tác dụng thế nào lại khiến nhiều người hiểu nhầm. Rất nhiều tài xế cho rằng nhờ ABS, xe sẽ dừng nhanh hơn, nhưng thực tế không phải vậy.
Như cái tên, mục đích của ABS là để các bánh không bị bó khi phanh gấp, chứ không phải để phanh dừng nhanh hơn. Tùy tình huống và điều kiện mặt đường, xe có thể dừng nhanh hơn hoặc chậm hơn. Thông thường, trên mặt đường khô ráo, xe dừng nhanh hơn, nhưng trên đường trơn ướt, đặc biệt có tuyết, xe cần quãng đường dài hơn để dừng khi ABS kích hoạt.
1. Trên đường trơn trượt
Thử nghiệm thực tế cho thấy trên đường trơn trượt, phanh ABS cho quãng đường dừng dài hơn so với ABS.
Cách hoạt động của ABS là tự động phanh-nhả liên tục nên bánh xe thực hiện nhiều chu kỳ trượt-lăn trên đường trơn ướt, do đó quãng đường phanh tốn hơn so với khi bánh xe chỉ dừng và trượt.
Nhưng quan trọng hơn, khi phanh xe không ABS, các bánh lết trượt trên đường không kiểm soát được hướng đi. Khi đó, nếu có chướng ngại vật phía trước, tài xế sẽ không thể đánh lái để tránh. Ngược lại, phanh ABS có thể mất quãng đường dài hơn để dừng nhưng tài xế hoàn toàn làm chủ tay lái, có thể điều hướng mà không bị trượt.
2. Trên mặt đường khô và hỗn hợp
Trên đường khô ráo, xe có ABS sẽ dừng nhanh hơn so với xe không ABS. Bánh xe vẫn thực hiện chu kỳ dừng-lăn nhưng do đường khô nên bánh không bị trượt. Ngược lại xe không có ABS bị phanh gấp các bánh bị khóa, tạo thành một tấm phản trượt theo quán tính trên mặt đường, do đó xe không có ABS lúc này cần quãng đường dài hơn để dừng.
Tài xế cần nhớ, công nghệ ABS không sinh ra để làm giảm quãng đường phanh, mà mục đích là giúp các bánh không bị khóa, từ đó giúp xe không bị trượt mất kiểm soát và tài xế có thể điều hướng tránh chướng ngại vật.