Trước mỗi kỳ nghỉ dài, các gia đình hoặc nhóm bạn bè thường lên kế hoạch về quê hoặc đi chơi xa bằng ôtô. Việc sở hữu ôtô hoặc thuê xe tự lái hiện nay không quá khó khăn với người trẻ, tuy nhiên kỹ năng lái xe thế nào để an toàn thì không phải ai cũng nắm rõ.
Dưới đây là những nguyên tắc và cách giải quyết để mỗi chuyến lái xe đường dài an toàn và thoải mái hơn.
Khi buồn ngủ phải làm thế nào?
Câu trả lời an toàn nhất là tìm chỗ phù hợp để dừng xe, chợp mắt hoặc ra khỏi xe, hít thở không khí tươi, vận động cơ thể, uống nước để tỉnh táo trở lại. Những biện pháp như nghe nhạc to, mở cửa sổ khi chạy hay ăn kẹo cao su chỉ mang tính chất tạm thời, không thể giải quyết dứt điểm cơn buồn ngủ.
Những nơi nào không nên dừng nghỉ?
Vào mùa lễ tết, nhiều người tổ chức lên những vùng du lịch như Tây Bắc, Đà Lạt… để thay đổi không khí. Cảnh sắc tự nhiên hai bên đường khiến tài xế sẵn sàng dừng đỗ xe ngay nơi đường hẹp bất chấp ảnh hưởng tới những phương tiện khác.
Để đỗ xe, tốt nhất nên đánh xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu nơi đó không có phần đất trống để đỗ xe, cần đưa xe càng xa lòng đường càng tốt và cần có tín hiệu cảnh báo để báo hiệu cho xe khác.
Có nên chạy song song với xe tải?
Không. Chạy song song xe tải hoặc xe khách cỡ lớn là sai lầm của nhiều tài xế. Bạn không thể biết được những “gã khổng lồ” đó sẽ làm gì, chỉ một cái lắc lái vội ở tốc độ cao cũng có thể khiến xe mất kiểm soát và lật ngang, khi đó xe con chạy bên cạnh xe tải sẽ hứng đủ mọi rủi ro.
Để tránh gặp hoàn cảnh này, nếu đi cùng làn cần vượt xe tải ngay khi có cơ hội, không chần chừ làm ảnh hưởng thời gian cả cuộc hành trình, nhưng cũng không vội vã vì chỉ một sai lầm nhỏ sẽ trả giá lớn.
Giữ khoảng cách thế nào để an toàn?
Chạy bám đuôi trên cao tốc, đường quốc lộ đồng nghĩa với tai nạn nối đuôi đang rình rập. Chỉ cần xe trước phanh gấp, bạn không kiểm soát được tốc độ và đâm nối tiếp vào đuôi xe trước, là lập tức nhiều xe khác phía sau đâm vào xe bạn.
Cần tránh chạy quá nhanh và bám đuôi trên cao tốc. Giữ khoảng cách an toàn theo quy định của luật cũng như những dấu hiệu hướng dẫn bên đường. Chỉ bám đuôi trong trường hợp tắc đường hoặc vào trạm thu phí để tiết kiệm thời gian cho những phương tiện khác.
Chú ý gì khi lên lịch trình di chuyển?
Hai điểm cần chú ý nhất khi lên lịch trình di chuyển là địa lý và thời tiết. Địa lý bao gồm chất lượng mặt đường có tốt không, đi qua nhiều khu dân cư hay “đồng không mông quạnh”, mật độ phương tiện của những tuyến đường đi qua thế nào. Thời tiết để biết trời mưa hay nắng, thiên tai như lũ lụt, mưa bão có thể khiến đường bị ngâp, sạt lở đất khiến xe không thể di chuyển.
Khi đã lên được lịch trình đi ngày nào, về ngày nào, cần chọn giờ xuất phát là thời điểm sao cho các thành viên trong đoàn đều tỉnh táo và khỏe mạnh. Giờ đi và đến phù hợp với giờ thăm, chơi đã định trước.
Kiểm tra xe những gì trước khi lên đường?
Trước khi lên đường một vài ngày, chủ xe nên đưa xe điểm kiểm tra tổng thể như dầu nhớt, nước làm mát, nước rửa kính, lọc gió điều hòa, lốp xe, trợ lực lái, phanh, ga, hệ thống điện… để chắc chắn mọi thứ đều ở trong tình trạng tốt nhất. Nên châm đầy nước rửa kính, nước mát, thay dầu nếu đã tới thời hạn.
Việc kiểm tra có thể tiến hành bằng mắt thường hoặc nhờ thợ ở xưởng bảo dưỡng của hãng. Không chỉ lốp chính mà lốp dự phòng cũng nên kiểm tra. Mang theo bộ dụng cụ sửa xe chuyên dụng để có thể thay lốp, bơm xe khi cần thiết.