1. Không bật radio hay CD/DVD quá lớn trong xe ô tô
Nếu bật radio hoặc đĩa CD/DVD ở chế độ âm lượng quá lớn, tài xế sẽ rất khó lòng nghe được tất cả những gì đang xảy ra xung quanh. Điều này sẽ làm giảm sự tập trung và mức độ quan sát cũng như khả năng xử lý tình huống của tài xế. Chưa kể đến âm thanh quá to còn gây ảnh hưởng đến các hành khách ngồi trong xe.
2. Không được dừng xe ở vị trí điểm mù của xe khác
Không điều khiển xe đi ngang hàng với vị trí lốp sau của xe khác, đặc biệt là xe tải chở hàng, xe bồn hoặc xe có kéo rơ mooc dài. Đây là vị trí điểm mù cực nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi xe đi đằng trước chuyển làn hoặc vào cua.
3. Không nhất thiết phải bật chế độ kiểm soát hành trình khi trời mưa
Theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm về ô tô, khi trời mưa, chế độ kiểm soát hành trình không có tác dụng hữu ích cho tài xế như trong điều kiện thời tiết khô ráo.
4. Không bật đèn pha chiếu xa khi lái xe ô tô trong thời tiết dày đặc sương mù
Khi lái xe trong điều kiện trời sương mù, tài xế không bật đèn pha ở chế độ chiếu xa mà nên chiếu gần hoặc sử dụng đèn sương mù chuyên dụng (nếu có). Đèn pha chiếu xa không những không giúp tài xế quan sát tốt hơn mà còn phản tác dụng và gây chói cho xe chạy ngược chiều.
5. Không nên rà phanh liên tục khi xe xuống dốc
Việc rà phanh liên tục khi xe đang đi xuống dốc sẽ khiến hệ thống phanh xe nhanh xuống cấp và còn rất nguy hiểm nếu như không may xe bị mất phanh.
6. Không nên chỉ quan sát ở phạm vi gần
Theo kinh nghiệm lái xe của các bác tài già, tài xế cần tập kỹ năng quan sát bao quát để đảm bảo điều khiển phương tiện được an toàn. Theo đó, tài xế cần quan sát ở phạm vi rộng và xa hơn về phía trước, đồng thời phải bao quát được tình hình ở 2 bên và đằng sau để có thể kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
7. Không nên phanh khi vào cua
Việc sử dụng phanh khi vào cua có thể sẽ giúp cho người lái có cảm giác yên tâm hơn tuy nhiên nó lại là một suy nghĩ sai lầm. Phanh xe ô tô khi vào cua thực tế lại khiến cho bánh xe bị ‘ì’ và khó kiểm soát hơn.
8. Không để tay ở vị trí 10 giờ và 2 giờ trên vô lăng xe ô tô
Rất nhiều tài xế có thói quen để tay ở vị trí 10 giờ và 2 giờ khi cầm vô lăng, tuy nhiên đây lại là 2 điểm dễ bị thương nhất nếu không may túi khí an toàn bị nổ. Thay vào đó, tài xế nên để tay ở vị trí 9 giờ và 3 giờ.
(Ảnh: docbao.vn)