I. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạp nhầm chân ga
1. Tâm lý không vững
Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng đạp nhầm chân ga khi phanh
Nguyên nhân này thường gặp ở những người vừa học lái ô tô hoặc lái chưa thạo dẫn đến việc đạp nhầm phanh, chân ga ô tô. Khi gặp tình huống khẩn cấp, các tay lái mới không đủ bình tĩnh để giải quyết sự việc và vô tình nhấn nhầm chân ga. Lúc này, tâm lý hoảng loạn khiến họ đạp mạnh thêm, gây nguy hiểm cho bản thân cũng như những phương tiện khác.
2. Tư thế lái xe chưa đúng
Với những người sử dụng ô tô số tự động, việc ngồi sai tư thế khi lái xe làm tăng nguy cơ đạp nhầm chân ga. Tư thế ngồi sai, lấy chân phải giữ ga còn chân trái đạp phanh sẽ khiến bạn mệt mỏi, không thoải mái, lâu ngày còn dễ mắc những bệnh về cơ và xương.
3. Chưa gạt cần số, vẫn để chế độ D
Đây là lý do bắt nguồn từ thói quen vẫn để chế độ cài số D và giữ chân phanh khi dừng xe tạm thời. Trong lúc dừng, tài xế chỉ cần xê dịch vị trí ngồi hoặc rời chân phanh sẽ làm tăng khả năng gặp nguy hiểm. Lúc xảy ra tình huống bất ngờ thì bạn rất dễ nhầm lẫn và bị động.
II. Cách khắc phục tình trạng đạp nhầm chân ga
1. Kiểm tra kỹ trước khi khởi động xe
Trước khi khởi động xe, bạn nên tập thói quen điều chỉnh ghế ngồi, kính chiếu hậu và bàn đạp để đảm bảo an toàn. Nếu lái một chiếc ô tô lạ thì bạn phải chắn chắn việc đã làm quen với vị trí, cảm giác của chân ga và chân phanh.
2. Ngồi đúng tư thế khi lái xe
Tiếp theo, bạn hãy ngồi ở tư thế lái chuẩn và thoải mái nhất để dễ dàng điều khiển chân ga, phanh, phanh tay và cần số. Lúc này, mọi thao tác của bạn sẽ trở nên linh hoạt hơn, không bị động khi xử lý tình huống. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ nguyên tắc gót chân không rời sàn xe, chỉ dùng chân phải để nhấn ga và phanh.
Cụ thể, vị trí gót chân cần thẳng hàng với bàn đạp phanh và chỉ sử dụng ức bàn chân qua lại giữa hai chức năng này. Giữ vững gót bàn chân dưới sàn sẽ giúp vị trí chân luôn chính xác, hạn chế việc nhầm lẫn và có thể dễ điều chỉnh lực phanh hoặc lực ga.
3. Rời chân ga – rà chân phanh
Hành động này giúp tài xế tạo tâm thế chủ động, luôn sẵn sàng phanh (thay vì nhấn ga) ngay cả khi không gặp tình huống nguy hiểm. Việc rời chân ga, rà chân phanh luôn phát huy tác dụng kể cả với xe số sàn (MT), giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất.
4. Dừng, đỗ ô tô đúng cách
Khi chỉ tạm dừng xe chờ đèn đỏ hoặc hỏi đường, bạn nên chuyển về N và kéo phanh tay. Thao tác này rất cần thiết vì nó giúp chân bạn thả lỏng, chỉ cần để hờ lên phanh trong thời gian ngắn và bảo đảm xe không bị tuột khi đang trên dốc nhẹ.
Khi dừng xe lâu, tài xế nên kéo phanh tay và cài số P. Bên cạnh đó, hãy nhớ giữ thói quen vần vô lăng đánh lái vào lề đường lúc đỗ xe ở địa hình dốc, việc này nhằm phòng tránh xe lao ra đường hoặc trôi quá xe khi bị tuột dốc.
5. Thao tác đúng với cần số
Để phanh tay bền, không mòn, lâu hư, bạn nên đưa cần số về D và thả phanh tay. Việc này còn đảm bảo an toàn cho người lái và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra liên quan đến việc đạp nhầm chân ga và phanh.
6. Đi giày nhẹ, đế mỏng
Vấn đề giày dép đóng vai trò khá quan trọng trong việc điều khiển xe nhưng lại không được nhiều người để ý đến. Chẳng hạn như đi chân trần sẽ khiến bạn bị đau chân, mang dép trơn có thể làm chân bạn bị tuột khỏi dép (nhất là những người bị phong thấp), giày cao gót sẽ làm trượt chân khỏi bàn đạp và cuối cùng, mang giày bốt cổ dài và cứng làm hạn chế cử động cổ chân.
Chính vì vậy, bạn nên đi giày nhẹ, đế mỏng hoặc dép có quai hậu khi lái ô tô. Trường hợp đi dự tiệc hoặc đến những nơi sang trọng, buộc phải mang giày cao gót, bốt thì bạn nên thủ sẵn trong xe một đôi giày đế mỏng để sử dụng khi lái xe.