“Chuyện thường ngày ở phố”
Lâu nay, người ta hay lên án và chỉ trích vấn nạn xe máy lấn làn, cắt đầu ô tô. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, đó là hành vi thể hiện văn hóa giao thông yếu kém của một số bộ phận điều khiển phương tiện này.
Tuy nhiên, mới đây lại xuất hiện tình trạng ngược lại, ô tô lấn sang hết đường dành cho xe máy. Gây ách tắc giao thông kinh khủng. Tìm hiểu kỹ vấn đề này, CafeAuto đã tiếp cận thực tế để có cái nhìn tổng quan, nhiều chiều hơn.
7h sáng, giờ cao điểm đi làm, lượng người và xe tăng đột biến khiến tốc độ bị giảm. Nhất là trong khu trung tâm với số lượng đèn đỏ rất nhiều. Theo ghi nhận tại đường Hai Bà Trưng, Quận 1, Hồ Chí Minh, có khá nhiều ô tô thay vì chạy đúng phần đường của mình thì lại lấn hẳn sang làn xe máy. Thậm chí còn nối đuôi nhau gây nên tình trạng ách tắc giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Hữu Trung, người đi đường chia sẻ: “Giờ cao điểm đã đông, nhiều ô tô còn chạy hẳn sang phần đường xe máy. Thế mà nhiều đổ lỗi hẳn cho xe máy gây tắc đường trong trung tâm thành phố, thật khó hiểu”.
“Nhiều khi nhìn ức chế bởi cách lái xe của những chiếc ô tô này. Pháp luật đã quy định phần đường dành cho các xe khác nhau. Ngày nào cũng thấy mà chẳng biết lực lượng chức năng ở đâu?”, anh Lê Tấn Quang vừa bực bội nhìn chiếc ô tô đằng trước vừa nói.
Không chỉ trong các khu trung tâm, ở nhiều con đường khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng không khó để bắt gặp tình trạng này.
Bà Nguyễn Thị Lan, người dân sống ở đường Lê Văn Khương, khúc tiếp giáp với cầu vượt Tân Thới Hiệp nói: “Ngày nào cũng bắt gặp ô tô, xe tải lấn đường xe máy, gây ách tắc vô cùng. Cả một hàng dài xe máy phải đứng chờ một chiếc ô tô trước mặt, nhìn rất phản cảm”.
Có thể nói, hành động này của những chiếc ô tô đã dần trở thành một vấn nạn. Thậm chí còn là nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng ở một số tuyến đường. Tuy vậy, rất ít khi thấy bị cảnh sát giao thông xử lý.
Xe dịch vụ là “đối tượng” thường xuyên lấn làn
Để có cái nhìn đa chiều hơn, chúng tôi đặt nhiều chuyến grap car và taxi ở những khung giờ cao điểm và các tuyến đường thường hay kẹt xe để xác nhận thực hư của vấn đề này.
Thực tế, lúc bình thường các tài xế vẫn chạy đúng phần đường quy định của mình. Nhưng nếu trước mặt họ có quá nhiều xe ô tô xếp hàng thì lại bẻ lái sang hẳn làn xe máy để di chuyển. Với ý nghĩ để tránh bị kẹt xe, chậm trễ thời gian.
“Gặp cảnh này thì tốt nhất là chạy hẳn sang đường của xe máy. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh tắc đường. Chứ nối đuôi kiểu này, mất hẳn 30 phút mới thoát khỏi kẹt xe”, tài xế grap khi đến ngã tư Phan Văn Trị- Nguyễn Oanh quay sang nói.
Hầu hết tâm lý của tài xế ô tô đều muốn nhanh chóng kết thúc chuyến đi của mình để có thể kiếm thêm khách mới. Vì vậy họ tận dụng tối đa mọi hiểu biết cũng như kinh nghiệm của mình khi lái xe. Thế nên, tình trạng lấn làn xe máy là điều rất dễ gặp.
Bên cạnh đó, xe tải cỡ nhỏ cũng là một trong những phương tiện lấn làn xe máy sau ô tô. Sự vô ý thức của những chiếc xe này không chỉ góp phần gây ra tình trạng kẹt xe, ức chế cho người đi đường mà nhiều trường hợp còn xảy ra tai nạn không đáng có.
Chế tài của pháp luật đã quy định rõ làn đường dành cho các phương tiện giao thông và mức phạt khi vi phạm. Việc những chiếc xe ô tô, xe tải xem thường quy định không chỉ thể hiện văn hóa giao thông kém cỏi mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người khác.
Theo Điểm c khoản 4, điểm b khoản 12, Điều 5, Nghị định 46/2016 xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường với mức tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX xe từ 2 tháng đến 4 tháng. |