1. Các yếu tố tác động đến lựa chọn xe
Để mua được một chiếc xe hơi ưng ý, có rất nhiều yếu tố tác động đến quyết định và lựa chọn của người tiêu dùng, bao gồm cả quyết định cá nhân và ý kiến tham khảo của những người xung quanh. Ở đây, chúng tôi đề cập đến 3 yếu tố tác động trực tiếp đến lựa chọn mua xe của người tiêu dùng.
Nên mua xe ô tô hãng nào?
a) Mục đích sử dụng
Hiển nhiên, khi quyết định sẽ chi trả một khoản tiền để mua và nuôi một chiếc xe hơi, người tiêu dùng đã xác định được mục đích sử dụng xe trong thời gian tới để lựa chọn mẫu xe phù hợp. Bên cạnh đó, mục đích sử dụng xe cũng là yếu tố chính tác động đến việc lựa chọn xe thuộc thương hiệu xe nào đó trên thị trường.
Ví dụ: Toyota là thương hiệu xe Nhật Bản có tiếng nhiều năm về sự bền bỉ, ít hỏng hóc và khả năng giữ giá thanh khoản tốt. Như vậy, đối với khách hàng mua xe chạy dịch vụ thì Toyota là thương hiệu xe đáng được cân nhắc.
b) Sở thích
Bên cạnh mục đích sử dụng, không ít người lại mua xe theo sở thích cá nhân khi có điều kiện tài chính để thỏa mãn sở thích đó. Sở thích ở đây có thể bao gồm sở thích về thương hiệu xe, kiểu dáng, màu sắc hay đơn giản là cập nhật phiên bản mới. Tuy nhiên, việc mua xe theo sở thích cũng tiềm ẩn một số hiểm nguy nếu người tiêu dùng không nắm rõ những ưu, nhược điểm của chiếc xe mình đã mua.
Có không ít người mua xe theo sở thích nhưng sau một quá trình sử dụng thì lại than thở rằng chiếc xe vận hành yếu hay dính những hỏng hóc vặt. Do đó, khi quyết định mua một chiếc xe hơi, người tiêu dùng cần cân nhắc nhiều yếu tố bên ngoài sở thích.
c) Tầm giá
Giá thành là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua xe hơi bởi khoản chi phí mà người tiêu dùng cần bỏ ra là không nhỏ. Mua một chiếc xe thỏa mãn được các yếu tố về mục đích sử dụng hay sở thích và trong tầm giá mong muốn là điều không dễ dàng. Mức giá bán của xe cũng sẽ dựa trên các yếu tố như thương hiệu, tiện nghi hiện đại hay các tính năng an toàn trên xe..
Chi phí bảo dưỡng
Ngoài chi phí mua xe, người dùng sẽ còn phải tính toán đến chi phí bảo dưỡng trong quá trình sử dụng xe. Thông thường, khách hàng mua xe sẽ được bảo hành miễn phí trong một thời gian nhất định theo quy định của nhà sản xuất, tuy nhiên sau khoảng thời gian đó, người dùng sẽ cần chi trả mọi chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng xe nếu xảy ra hỏng hóc. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia kinh nghiệm mua bán xe thường lưu ý về những mẫu xe ít hỏng hóc và có khả năng thanh khoản tốt sau một thời gian sử dụng.
2. Nên mua xe ô tô hãng nào?
a) Dòng xe bình dân: Toyota, Kia, Mazda, Hyundai
Tại thị trường Việt Nam, Hyundai và Toyota là hai cái tên nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn. Điều này thể hiện ở việc đây là hai thương hiệu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong năm 2019 vừa qua. Báo cáo doanh số từ Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho biết, kết thúc năm 2019, cuộc đua doanh số năm 2019 chính thức khép lại với vị trí đầu bảng là TC Motor-Hyundai với doanh số bán 79.568 xe, trong đó Hyundai Accent là mẫu xe bán chạy nhất. Trong khi đó, doanh số bán của Toyota Việt Nam bám đuổi sát nút, đạt 79.328 xe với mẫu xe bán chạy nhất là Toyota Vios.
Toyota Vios là mẫu xe bán chạy nhất của Toyota (Ảnh: Ngô Minh)
Nếu như Toyota được ca ngợi về sự bền bỉ, chất lượng và khả năng giữ giá tốt sau một thời gian sử dụng thì Hyundai lại được đánh giá cao về thiết kế thời trang, trang bị phong phú và giá bán khá “mềm”.
Bên cạnh đó, Kia và Mazda cũng cũng là hai thương hiệu xe bình dân đang được ưa chuộng tại Việt Nam. Nếu như Kia nổi bật ở phân khúc xe đô thị thì Mazda lại khẳng định được vị thế của mình trong phân khúc sedan hạng C. Ngoài ra, các thương hiệu Mitsubishi, Ford, Nissan,… cũng có những lợi thế riêng thông qua các mẫu xe chủ lực, góp phần làm phong phú và đa dạng lựa chọn hơn cho người dùng tại thị trường ô tô tại Việt Nam.
b) Dòng xe sang: Mercedes, BMW, Audi
Ngoài những dòng xe bình dân, nếu người tiêu dùng có điều kiện kinh tế tốt cũng như mong muốn sở hữu những chiếc xe ấn tượng và cao cấp hơn thì dòng xe hạng sang sẽ là lựa chọn tốt. Nói đến dòng xe hạng sang tại thị trường Việt Nam thì phải nhắc đến Mercedes, BMW và Audi. Việc bộ ba SUV BMW X3, X5, X7 ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 7/2019 cũng đã thúc đẩy hoạt động của dòng xe sang tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là khi đối đầu với Mercedes GLC, GLE, GLS hay tương ứng Audi Q5, Q7.
Mercedes-Benz E300 AMG tại thị trường Việt Nam (Ảnh: Khải Phạm)