Sau một thời gian sử dụng bùn đất, bụi bẩn bám vào bề mặt máy sẽ làm giảm quá trình tản nhiệt, làm máy nóng rất nhanh, khiến xe bạn xuống cấp nhanh chóng. Theo nhiều chuyên gia, nên vệ sinh khoang động cơ một năm nên làm từ 2 – 3 lần (trung bình từ 3 – 6 tháng nên rửa, vệ sinh khoang động cơ một lần).
Tác dụng của việc vệ sinh khoang máy là để đảm bảo động cơ được tản nhiệt nhanh hơn, mát hơn trong quá trình vận hành, giúp các chi tiết bên trong động cơ được bền và có tuổi thọ lâu hơn. Khi bùn đất, bụi bẩn bám vào bề mặt máy sẽ làm máy nóng rất nhanh.
Bên cạnh đó, nhiều chủ xe còn gặp hiện tượng chuột, côn trùng xâm nhập từ bên ngoài vào cắn các dây dẫn nhiên liệu, gioăng cao su khiến phải thay thiết bị thường xuyên. Vệ sinh khoang máy sẽ hạn chế bớt tình trạng này và giúp các chi tiết tại khoang động cơ bền hơn, chống cáu bẩn, gỉ sét, hoạt động ổn định.
Theo như chia sẻ của một chủ tiệm rửa xe tại Thủ Đức, giá vệ sinh khoang động cơ xe dao động từ 300-500 nghìn đồng tùy thuộc vào kích cỡ cũng như dòng xe. Quá trình vệ sinh khoang máy sẽ khéo dài trong khoảng 2 – 3 giờ tùy thuộc vào xe cỡ nhỏ hay những xe to (SUV hay bán tải).
Trước khi vệ sinh, người làm phải tiến hành bao bọc một số chi tiết để ngăn nước lọt vào như: Hộp ECU, cầu chì, cổ hít gió. Nếu khách hàng có thêm nhu cầu, thợ làm sẽ phủ lớp nano để bảo vệ các chi tiết, khiến động cơ hoạt động ổn định và êm ái hơn.
Quá trình vệ sinh khoang máy cần được thực hiện kỹ lưỡng, tỉ mỉ, sử dụng nhiều dung dịch vệ sinh, dụng cụ chuyên dụng, làm sạch từng ngóc ngách các chi tiết của máy, cũng như dây dẫn và các gioăng cao su thì mới tạo ra tác dụng tối ưu nhất.
Ngoài ra, chủ xe cần lưu ý chỉ tiến hành vệ sinh khoang máy khi động cơ đã nguội hẳn. Vì nếu vệ sinh khi máy vẫn nóng sẽ khiến nhiệt độ bị thay đổi đột ngột, nhiều chi tiết hay động cơ bị giảm tuổi thọ và chú ý đảm bảo an toàn cho cá nhân khi làm vệ sinh bằng các thiết bị bảo hộ: Kính, găng tay, khẩu trang…