Áp dụng biện pháp tránh nắng
Tưởng như ngồi trong xe là an toàn nhưng tài xế vẫn gặp các vấn đề về da (nám, cháy nắng hay lão hóa), thậm chí có nguy cơ bị ung thư nếu tiếp xúc với tia UV chiếu qua kính lái và cửa bên trong thời gian dài.
Do đó, cần hạn chế tối đa lượng ánh sáng mặt trời tiếp xúc với da. Trước hết, đối với xe, dán phim cách nhiệt đảm bảo chất lượng và trang bị thêm rèm chắn nắng là việc nên làm. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là các biện pháp chủ động dành cho người lái và hành khác đi cùng. Kính râm, quần áo dài tay và kem chống nắng là những món đồ thiết yếu được khuyên dùng để chống lại tác hại của tia UV. Hóa ra, việc các chị em hội Ninja mặc áo chống nắng, bịt kín mít trong khi vần vô lăng không đáng cười như các anh em vẫn nghĩ.
Sử dụng điều hòa đúng cách
Sức nóng của chảo lửa mùa hè ở Việt Nam thì khỏi nói. Nhiệt độ không khí 40⁰C thì trên mặt đường lên đến 50⁰C – 60⁰C. Nơi nào có nhiệt độ loanh quanh 20⁰C – 25⁰C xứng đáng là thiên đường. Khoang cabin xe ô tô là một nơi như vậy. Tuy nhiên, hành động “bước lên thiên đường” cũng có hai nghĩa, và không phải nghĩa nào cũng theo hướng tích cực.
Theo khuyến cáo, mức chênh lệch nhiệt độ trong xe ô tô và môi trường bên ngoài không nên vượt quá 8⁰C. Điều đó có nghĩa là nếu nhiệt độ ngoài trời là 42⁰C thì điều hòa trong xe sẽ để ở ngưỡng 34⁰C. Rõ ràng ở Việt Nam, không ai làm như vậy. Thực tế, trong những ngày nắng đỉnh điểm, nhiệt độ trong xe và bên ngoài chênh nhau lên đến 15⁰C – 20⁰C. Và điều này sẽ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt.
Sốc nhiệt gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn hay ảo giác; thậm chí có thể dẫn đến tử vong do đột quỵ. Các đối tượng dễ bị sốc nhiệt là những người có thể trạng không tốt như người già, trẻ em, phụ nữ hoặc bệnh nhân.
Do đó, việc sử dụng điều hòa đúng cách trong cả quá trình lên và xuống xe sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ do sốc nhiệt gây ra.
Xây dựng lịch trình chạy xe và quãng nghỉ hợp lý
Thời tiết oi nóng sẽ làm cơ thể nhanh chóng trở nên mệt mỏi, cảm xúc dễ rơi vào tình trạng “nóng bức cho nên chóng tức”. Mà mùa hè thì kéo dài tới hơn 3 tháng, nên các tài xế bị stress là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính người cầm lái mà còn dẫn đến những hệ quả đáng tiếc liên quan đến văn hóa và an toàn giao thông. Do đó, các bác tài nên chạy xe với thời gian biểu hợp lý để cho cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và giảm nhiệt.
Những đồ bị biến chất khi để trong xe đỗ dưới trời nóng
Bên cạnh những vật dễ gây nguy cơ cháy nổ trong điều kiện nhiệt độ cao như bật lửa hay thiết bị điện tử, chúng ta cũng nên lưu ý các đồ dễ bị biến chất. Thực tế, có thể do thói quen sinh hoạt, tài xế mang theo hoa quả hay đồ ăn lên xe để phục vụ bản thân hoặc người đi cùng. Nếu ai đang trong quá trình trị bệnh thì trên xe sẽ lại còn có thêm cả các lại thuốc.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi chiếc xe dừng đỗ và tắt máy; dưới ánh nắng mặt trời, các loại đồ ăn nhanh chóng bị hỏng hoặc tan chảy và có khả năng gây nên các bệnh về đường tiêu hóa nếu cố tình sử dụng. Tương tự, các thành phần có trong thuốc sẽ bị thay đổi dưới tác động nhiệt trở nên vô tác dụng, thậm chí tác dụng ngược làm nguy hiểm đến người dùng.
Vì vậy, không nên mang quá nhiều các loại đồ này lên xe; và trong trường hợp bắt buộc phải xuống xe tắt máy, tốt nhất là chúng ta nên mang nó luôn theo mình thay vì để lại trong cabin.