Dấu hiệu má phanh bị mòn
Hầu hết các loại xe máy hiện nay trên thị trường chủ yếu sử dụng phanh đĩa. Loại này khá tiện dụng bởi cơ chế hoạt động nhờ ma sát. Cụ thể là một hệ thống lực được bơm đầy dầu phanh sẽ tác động lên một bộ kẹp đệm. Điều đó khiến chúng tự động siết chặt lại với nhau trên một đĩa. Ma sát giữa các miếng đệm và đĩa khiến xe giảm tốc độ và dừng lại.
Nhưng do phải hoạt động trong môi trường nhiệt cao thường xuyên như vậy nên lâu dần má phanh sẽ bị mòn đi. Đơn giản bởi vì cấu tạo chúng chủ yếu là các thành phần nhựa được nướng và làm cứng lại. Nếu so với má phanh kim loại thì nó lại ít ảnh hưởng đến đĩa phanh.
Biểu hiện đầu tiên liên quan đến má phanh bị mòn đó chính là cần thắng hay bàn đạp sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tài xế kéo phanh hoặc đạp phanh thì có cảm giác không ăn, hay nhẹ đi. Xe vẫn chạy như thường mà không có biểu hiện chậm lại.
Hoặc khi phanh thì phát ra tiếng rít mạnh, nghe ken két thì cũng là một biểu hiện của má phanh bị mòn. Lúc này, các vật liệu ma sát trên má phanh bị mất đi và đĩa phanh bị kẹp giữa tấm kim loại phía sau của má phanh. Nếu tiếp tục sử dụng thì có thể dẫn đến hỏng luôn cả đĩa phanh.
Một trường hợp khác cũng có thể khiến phanh xe phát ra tiếng động đó là do các hạt bụi bẩn, cát bám vào bề mặt má phanh. Khi ma sát với đĩa phanh sẽ khiến chúng có tiếng động khó chịu. Lâu dần không vệ sinh sẽ khiến má phanh mau mòn, dẫn đến hư hỏng cả hệ thống.
Một biểu hiện khác của má phanh hoạt động không hiệu quả nữa đó là khi phanh cảm giác không ăn hoặc khiến xe bị rung lắc. Nguyên nhân cũng do nó bị nhao về một phía, má phanh bên trái, phải tiếp xúc với đĩa không đều. Hoặc do bề mặt của nó dính dầu mỡ, nước…
Đối với phanh tang trống (phanh cơ) thì biểu hiện phanh không ăn cũng tương tự như phanh đĩa. Tuy nhiên, đối với những mẫu xe máy sử dụng loại này thì cách khắc phục khá đơn giản. Tài xế có thể tự căn chỉnh và giúp phanh ăn trở lại nhờ một chiếc cờ lê mà thôi.
Thường xuyên kiểm tra, đừng để có vấn đề mới để ý
Thông qua những biểu hiện của má phanh mà tài xế có thể hiểu được tình trạng xe của mình. Tuy nhiên, đừng để khi chúng có vấn đề mới để ý. Nên thường xuyên kiểm tra độ mòn của má phanh cùng với đĩa phanh. Tốc độ mòn sẽ thay đổi dần, đặc biệt là khi má phanh chỉ còn một nửa độ dày so với thời điểm còn mới.
Hãy vệ sinh ngay má phanh sau khi di chuyển trong điều kiện mưa, bùn đất, bụi bẩn. Điều này sẽ hạn chế các chất bẩn bám vào má phanh, gây ra hiện tượng ma sát bào mòn chúng. Trường hợp đĩa phanh bị cong, vênh dẫn đến bó phanh thì nên điều chỉnh lại hoặc thay mới bộ phận này.
Hãy kiểm tra khả năng của phanh bằng cách đi chậm và bóp phanh nhẹ. Nếu độ ma sát ổn định thì lúc đó hãy tăng tốc. Không nên chaỵ xe với tốc độ cao vì dù cho bộ phận này có tốt thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi quán tính của xe khi phanh gấp. Tốt nhất hãy lái xe đúng với tốc độ cho phép.
Ngoài ra, không nên phanh xe quá đột ngột. Nên kết hợp từ từ cả phanh trước và phanh sau. Tránh bị văng xe hay loạng choạng ngã ra đường. Ngày nay, một số loại phanh hiện đại đã ra đời như ABS có thể giúp xe phanh chính xác, an toàn khi trời mưa, đường trơn trượt. Nhưng bù lại không phải loại xe nào cũng được trang bị vì giá thành nó khá đắt đỏ.
Nếu phát hiện má phanh bị mòn thì nên thay thế ngay. Giá thành của trang bị này tùy thuộc vào chất lượng cũng như mẫu mã nhưng cũng khá rẻ. Theo tìm hiểu của CafeAuto thì giá của bộ má phanh tiêu chuẩn của Yamaha dành cho Exciter, Novou, Jupiter…thường giao động khoảng 100- 200 ngàn đồng. Má phanh đĩa Nissin của xe Honda có giá dao động trong khoảng 190 ngàn đến 200 ngàn đồng. Trên các dòng xe Suzuki có giá dao động trong khoảng từ 80 ngàn đến 120 ngàn đồng.
Khách hàng tùy thuộc và điệu kiện kinh tế cũng như loại xe của mình mà lựa chọn loại má phanh phù hợp. Đừng quá chủ quan giao cho các thợ sửa xe ven đường vì có thể họ sẽ thay loại rẻ tiền, kém chất lượng, nhưng lại hét với giá trên trời.