Kênh giá bán, mua bia kèm lạc
Kiểu bán hàng kênh giá, “mua bia kèm lạc” dù đã cũ nhưng vẫn được các đại lý áp dụng. Cách bán hàng này dựa trên tâm lý mua bán xe vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm. Đẩy giá bán cao hoặc ép khách hàng mua thêm phụ kiện để tối đa lợi nhuận.
Gần đây nhất, khách hàng mua xe Honda City 2021 phản ánh “mua bia kèm lạc” của các đại lý do nhận thấy nhu cầu mua xe trước thềm Tết Nguyên Đán. Theo đó, phía đại lý không hẹn thời gian giao xe cụ thể, nhưng hứa sẽ ưu tiên những khách hàng mua thêm các gói phụ kiện.
Khách hàng mua Honda City 2021 tố đại lý bán hàng theo kiểu “mua bia kèm lạc”.
Các loại phụ kiện này bao gồm, phim cách nhiệt, camera hành trình, lót cốp, bọc vô lăng… và các gói bảo hành, bảo dưỡng mở rộng… với tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng. Nếu mua các loại này, người mua được hứa hẹn sẽ giao xe ngay trong tháng. Còn không, khách hàng sẽ phải đợi qua tháng 2 hoặc tháng 3.
Thực tế, những loại phụ kiện này không cần thiết phải mua ngay, và chi phí bên ngoài cũng rẻ chỉ bằng 1/3. Tình trạng “mua bia kèm lạc” diễn ra phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các dòng xe ăn khách vào dịp cuối năm.
Cuối năm 2020, khách hàng còn phát bực kiểu bán hàng “kênh giá” của đại lý. Theo phản ánh, khi mua xe Hyundai Accent phiên bản 2021, khách hàng sẽ phải trả thêm từ 20-30 triệu để kịp nhận ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Dọa sắp tăng giá bán
Một kiểu bán hàng khá phổ biến trong thời gian này là “dọa sắp tăng giá bán”. Các nhân viên tư vấn thường “dọa” khách hàng giá xe sắp sửa tăng, nguồn hàng khan hiếm, nếu không mua ngay sẽ không được giá tốt như hiện tại. Khách hàng còn bị dọa nếu không mua xe trong thời điểm này sẽ không chọn được màu ưng ý.
Người mua cần cảnh giác chiêu trò đại lý dịp cuối năm.
Điều khách hàng lo sợ nhất khi mua xe trong dịp cận Tết là thời điểm giao xe muộn hơn so với hợp đồng. Dù đã chốt thời điểm giao xe trong hợp đồng, song nhiều khi đại lý vẫn không giao xe đúng thời hạn. Điều này khiến nhiều người bức xúc, song hầu như không làm lớn chuyện để đòi lại quyền lợi của mình.
Do vậy, đối với người mua xe, cần cẩn trọng trước những thông tin gây tâm lý hoang mang của đại lý. Nếu có kế hoạch mua xe từ trước, nên lựa chọn thời điểm hợp lý để không ở trong hình huống “bị động” mà đưa ra quyết định thiếu sáng suốt.
Xả hàng các phiên bản cũ
Nếu để ý, khách hàng sẽ nhận thấy xuất hiện thông tin một mẫu xe nào đó được giảm tới hàng trăm triệu đồng tại đại lý. Thực tế, số lượng bán ra của các phiên bản này rất hạn chế và chỉ có một số ít người mua được.
Phần lớn những mẫu xe này đều là các phiên bản cũ và có doanh số không ấn tượng, được một số đại lý giảm giá sâu để xả hàng tồn. Số lượng chỉ là còn lại vài chiếc, lẻ tẻ ở một vài nơi.
Lý do để giải thích việc giảm giá sâu một phiên bản cũ là ngoài mục đích xả hàng tồn, các đại lý còn coi đây là chiêu thức PR để quảng bá hình ảnh và làm người dùng rơi vào mê trận của bẫy “giảm giá”.
Điển hình cuối năm 2020, Chevrolet Trailblazer 2019 được đại lý giảm sốc lên đến 300 triệu đồng so với giá niêm yết. Đợt giảm giá lần này nối tiếp lần giảm giá sốc vào tháng 3 cho phiên bản năm 2018. Đây là điều không quá bất ngờ khi Chevrolet đang dần rút khỏi thị trường Việt Nam và những mẫu xe còn lại được các đại lý chào bán với mức giá hấp dẫn.
Theo kinh nghiệm mua bán xe, trước các chiêu trò của đại lý, người mua cần phải thực sự tỉnh táo khi quyết định tậu xế cưng. Không vì nóng vội mà trở thành miếng mồi cho các đại lý bán xe.
Bài viết liên quan: Các chiêu trò của đại lý bán xe mà người mua thường mắc phải
(Nguồn ảnh: Internet)