Bộ phanh xe máy hay ô tô đều có cấu tạo khá đơn giản với cấu tạo bóp nhả để hãm hoặc khóa cứng bánh xe để giảm tốc độ. Tuy nhiên để có hiệu quả phanh tốt nhất thì cần phải dựa trên rất nhiều yếu tố nhất là điều kiện thời tiết. Đặc biệt là trong những ngày mưa, mặt đường trở nên trơn trượt do tính ma sát giảm, nếu không kiểm tra dễ dẫn đến va chạm do phanh không kịp. Một số dấu hiệu dễ nhận ra cũng chính là lúc nên đem xe đi kiểm tra và thay thế hệ thống này nếu cần.
Chân phanh nặng hơn bình thường
Cảm giác này rất dễ nhận biết, bởi chân phanh hay chân ga là thứ mà người lái tác động hằng ngày, nếu cảm thấy chân phanh nặng hơn mọi lần thì có nghĩa là phanh xe và các bộ phân liên quan đang có vấn đề. Một số nguyên nhân dẫn đến nặng chân phanh như mất trợ lực phanh, đường ống dẫn tắc,… lúc này thay vì ngồi đoán mò bạn nên nhanh chóng tới các trạm bảo dưỡng để kiểm tra và khắc phục.
Thỉnh thoảng bó phanh
Cực kì nguy hiểm nếu đang lưu thông ở tốc độ cao. Thông thường xe sẽ có dấu hiệu nhẹ như kẹt phanh tạm thời, hay nhấn mạnh ga sẽ nghe tiếng bung của phanh là các dấu hiệu cho thấy phanh đang có vấn đề ở các lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị, kẹt xi lanh tổng hoặc dầu phanh có vấn đề. Khi gặp hiện tượng trên nhanh chóng đưa xe đi khác phục, không nên tự xử lý bằng các phương pháp truyền thống như gõ búa, tra dầu,…
Lệch xe khi đạp phanh
Mỗi khi đạp phanh xe giảm tốc, không dấu hiệu kẹt hay nặng chân phanh nhưng xe lại có xu hướng lệch ngang hay bị ghì một bên dù ở tốc độ thấp. Nguyên nhân do lực phanh phân bổ không đồng đều, các má phanh bị hở thường gặp trên phanh tang trống, hay liên quan tới các đường dẫn dây dầu bị rò,… Nếu để lâu ngày khi đang vận hành mà thắng gấp dễ dẫn đến việc bị lật xe nhất là khi đang vào cua.
Phanh có tiếng động lạ
Thông thường là tiếng kêu ken két mỗi khi rà phanh. Nguyên nhân đến từ má phanh bị mòn, chất bản kim loại lọt vào má phanh, hoặc má phanh có chất lượng kém nhiều mạt sắt,… vấn đề này khá đơn giản nếu do bị dơ có thể dùng các dung dịch phun xịt để vệ sinh có thể làm tại nhà, nếu không hết bạn có thể đem đi bảo dưỡng để kiểm tra, thường là thay má phanh chất lượng cao là khắc phục xong vấn đề.
Chân phanh bị hẫng
Chân phanh nặng cũng có lỗi thì tất nhiên chân phanh bị nhẹ hoặc có độ hụt cũng phải có vấn đề. Tuy nhiên chân phanh nhẹ sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Thông thường lỗi nhẹ, hẫng chân phanh thường liên quan đến việc mất áp suất, xi lanh phanh bị trầy xước dẫn đến hao hụt dầu phanh, các dây dầu bị rò rỉ thậm chí bị bị vỡ làm mất áp suất dẫn đến lỗi phanh trên.
Phanh không ăn
Phanh xe hết cỡ nhưng không dừng là một lỗi cực kỳ nghiêm trọng có thể dẫn đến những vụ tai nạn nguy hiểm. Thường các nguyên nhân như hư xi-lanh piston, má phanh mòn, chai, hết dầu phanh, lọt khí vào trong hệ thống đường dẫn,… và nhiều nguyên nhân khó đoán khác. Cách duy nhất là tìm đến các gara trạm dịch vụ để chuẩn đoán tình hình.
Hiệu quả không ổn định
Đôi khi có những sự cố mà người dùng cảm thấy khó hiểu như thắng cực gắt, hay hiệu quả thấp kèm theo tiếng kêu dù đã thay thế, kiểm tra mà vẫn xuất hiện tình trạng thiếu ổn định. Thì nên xem lại phanh đĩa xem có công vênh, trầy xướt. Bởi trong nhiều trường hợp bề mặt đĩa phanh có những sự cố rất khó phát hiện.
Nâng cấp bộ phanh hiệu năng cao
Tại thị trường Việt Nam, đa phần các bộ phanh được tinh chỉnh lại phù hợp với điều kiện vận hành và giảm chi phí để tối ưu hóa giá bán nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng phanh. Tuy nhiên nếu thường xuyên di chuyển, đặc biệt là sử dụng những xe thể thao công suất lớn và trong điều kiện cho phép người dùng có thể nâng cấp lên bộ phanh tốt hơn không chỉ cái thiện về mặt thẩm mỹ mà đảm bảo hiệu quả phanh tốt hơn so với phanh nguyên bản. Nên chọn những loại phanh tên tuổi như Brembo, AP Racing, tránh những thương hiệu lạ, đẹp nhưng giá rẻ.