Trái với thành công rực rỡ của Xpander, Mitsubishi Attrage vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng trong phân khúc sedan hạng B. Dù vậy, những khách hàng lựa chọn mẫu sedan Nhật này luôn cảm thấy hài lòng với không gian nội thất rộng rãi và khả năng tiết kiệm nhiên liệu hàng đầu của nó. Đúng vậy, Mitsubishi Attrage đại diện cho mọi phẩm chất mà người Việt đề cao đối với một chiếc xe Nhật: giá rẻ, nội thất rộng rãi và chi phí sử dụng hợp lý.
Với phiên bản facelift 2020, dòng xe Attrage tại Việt Nam đã được thu gọn, giảm từ 04 phiên bản trước đó thành 2 phiên bản duy nhất: MT và CVT. Giá bán niêm yết của phiên bản Attrage MT 2020 là 375 triệu đồng, bản Attrage CVT 2020 cao cấp có giá bán 460 triệu đồng. Như vậy, hai phiên bản Attrage 2020 sẽ rẻ hơn các bản tương ứng đời 2019 lần lượt là 25 và 15 triệu đồng.
Mitsubishi Attrage là dòng xe được thiết kế để hoạt động tối ưu trong môi trường đô thị. Chính vì lẽ đó, chiếc xe được trang bị những thành phần cơ khí dù không quá mạnh mẽ nhưng lại vô cùng bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu. Attrage sở hữu động cơ 1.2L MIVEC kết hợp với hộp số CVT INVECS-III giúp chuyển số êm ái và tiết kiệm nhiên liệu. Khối động cơ 3 xy-lanh dung tích chỉ 1.2L của Attrage có công suất tối đa 78 mã lực và lực mô-men xoắn cực đại 100 Nm. Công suất của Attrage không lớn nhưng vì xe có trọng lượng khô chỉ 905 kg nên xe vẫn đạt tỷ lệ công suất/trọng lượng 86 mã lực/tấn, thuộc hàng khá tốt trong phân khúc.
Nhờ trọng lượng nhẹ và động cơ tối ưu, Attrage đạt mức tiết kiệm nhiên liệu vượt trội trong phân khúc với số tiêu thụ nhiên liệu theo công bố của cục đăng kiểm Việt Nam là 5.09L/100km đối với phiên bản MT và 5.34L/100km phiên bản CVT. Động cơ nhỏ gọn giúp xe ổn định hơn khi vào cua nhờ vào phân bổ trọng lượng giữa bánh trước và bánh sau đều hơn.
Đối thủ của chiếc Attrage là người anh em Xpander, chiếc xe có lẽ tôi không cần phải giới thiệu nhiều nữa. Phiên bản 2020 với nhiều sự bổ sung đáng giá như ghế da, màn hình mới, đèn pha LED khiến mẫu MPV này tiếp tục củng cố ngôi vị số một. Bên cạnh đó còn là phiên bản Xpander Cross dành cho những chủ xe cá tính. Khi nói về chiếc Xpander, có lẽ ấn tượng chung của khách hàng Việt Nam chính là sự bất ngờ trước khả năng tiết kiệm nhiên liệu của mẫu xe 7 chỗ này. Mitsubishi Xpander 2020 vẫn sử dụng động cơ MIVEC 1.5L, 4 xy-lanh, DOHC, cho công suất cực đại 103 mã lực ở 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn tối 141 Nm tại 4.000 vòng/phút, kết hợp hộp số sàn 5 cấp hoặc số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Theo công bố của nhà sản xuất, Xpander tiêu thụ 6,9 lít xăng/100 km đường kết hợp nhưng trên điều kiện thực tế, không ít chủ xe đã đạt mức gần 5 lít xăng/100 km di chuyển.
Đó là lý do vì sao mà trong bài test nhiên liệu hôm nay, chúng ta chưa thể vội kết luận rằng Attrage sẽ “ăn chặt” Xpander. Cung đường chúng tôi lựa chọn là Hồ Chí Minh – Đà Lạt, rất quen thuộc đối với những chủ xe ở miền nam. Để khiến cuộc thi gay cấn hơn, đội Attrage đã “chấp” đội Xpander 3 lít xăng. Tức là nếu dựa theo công bố của nhà sản xuất thì với 3 lít xăng này, mức tiêu thụ trên lý thuyết của 2 chiếc xe là gần như tương đồng. Thứ quyết định thắng thua, tất nhiên rồi, chính là khả năng điều khiển chiếc xe của 4 người tham dự.
Trải nghiệm trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây là không có gì quá đặc biệt. Chiếc xe Attrage không thực sự cho cảm giác an tâm khi chạy ở 120 km/h. Điều đó là dễ hiểu và công bằng mà nói, tất cả những mẫu xe cùng giá bán cũng cho trải nghiệm tương tự. Nếu chịu khó chạy ở tốc độ 100 km/h hoặc thấp hơn thì bạn sẽ thấy hài lòng hơn với Mitsubishi Attrage. Dù vậy, khi chạy đều tốc thì chiếc xe cho khả năng tiết kiệm nhiên liệu rất tốt, trung bình chỉ khoảng 4 lít/100 km. Tất nhiên, khi xét về độ thoải mái, êm ái và cảm giác an toàn trên cao tốc, Mitsubishi Xpander vẫn là mẫu xe nổi bật hơn.
Cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn khi đoàn chúng tôi rời khỏi cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Con đường quốc lộ 20 đoạn từ thị xã Long Thành đến thành phố Bảo Lộc là một sự pha trộn giữa những đoạn dài thẳng tắp, những khu dân cư đông đúc và những đoàn xe dài chở hàng về phía Đà Lạt. Đối mặt với những sự thay đổi khó lường đó, tâm lý và sự bình tĩnh của người lái chính là thứ quyết định mức độ tiêu thụ nhiên liệu. Tất nhiên, cả 4 thành viên tham gia thử thách đều là những “nài cứng” nên mức tiêu thụ nhiên liệu của cả Attrage và Xpander đều khá sát nhau, nhưng ưu thế thuộc về chiếc Attrage nhỏ gọn hơn. Thực sự, Attrage là mẫu xe được sinh ra để hoạt động trong nội đô, vô lăng đầm và khá chính xác, hộp số CVT tương đối êm ái và luôn biết cách tận dụng tối đa công suất khiêm tốn của động cơ xe.
Chặng đèo Bảo Lộc và đèo Prenn chính là hai chặng đường quyết định thắng thua của cuộc thi tiết kiệm nhiên liệu này. Do cả 2 xe đều có công suất khá nhỏ nên việc vượt xe, đặc biệt là xe container, đều cần được tính toán kỹ lưỡng. Khi vượt xe ở đèo dốc, chiếc Xpander với động cơ 1.5L mạnh hơn và hộp số 4 cấp là có ưu thế hơn, trong khi hai thành viên cầm lái Attrage đã phải khá vất vả để vượt xe và theo kịp chiếc Xpander.
Dù vậy, sau 7 tiếng lái xe thì cả đoàn chúng tôi đã đến được điểm cuối là quảng trường Lâm Viên tại Đà Lạt. Cả đoàn đã tiến hành đổ xăng để đo lượng tiêu thụ nhiên liệu của 2 chiếc xe. Kết quả là chiếc Attrage tiêu thụ 231.000 VND tiền xăng, tức là 15,3 lít xăng cho quãng đường 300 km, đạt mức tiêu thụ 5,1 lít/100 km đường thực tế. Chiếc Xpander cần đổ 280.000 VND để đầy bình, tức là xe tiêu thụ 18,6 lít xăng, đạt mức tiêu thụ 6,2 lít xăng/100 km đường hỗn hợp. Như vậy, nếu tính 3 lít xăng mà đội Attrage “chấp” đội Xpander thì mức chênh lệch của 2 chiếc xe chỉ là đúng 0,3 lít xăng!
Kết quả của cuộc thi ngày hôm nay đã cho thấy độ tiết kiệm xăng của các mẫu xe của Mitsubishi là tối ưu như thế nào. Như vậy, có thể kết luận rằng khả năng tiết kiệm nhiên liệu chính là thế mạnh nổi trội của xe Mitsubishi so với các đối thủ cùng phân khúc.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)