Hiện nay, các hãng ô tô trên thế giới dần trang bị đèn LED trên các mẫu xe mới thay vì đèn Halogen truyền thống. Ưu điểm của loại đèn LED đó chính là tính thẩm mỹ cao, đồng thời sáng và tiết kiệm điện hơn. Ngoài ra, nhiều dân chơi xe còn độ thêm các mẫu đèn độ công suất lớn nhằm thỏa mãn đam mê ánh sáng của mình. Tuy nhiên, những điều này mang đến nhiều rủi ro tiềm ẩn cho các phương tiện tham gia giao thông ngược chiều.
Tài xế khi lưu thông trên đường vào ban đêm, bất chợt bắt gặp ánh sáng chói mắt từ chiếc xe chạy ngược chiều. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh khiến tài xế không kịp nhắm mắt và rơi vào một thoáng lóa trắng mắt. Phải mất vài giây, tài xế mới kịp định hình lại để quan sát được môi trường xung quanh. Hiện tượng này gọi là mù tạm thời, tương tự như việc mở điện thoại smartphone vào ban đêm nhưng quên không điều chỉnh ánh sáng màn hình.
Nguyên nhân là do cơ chế hoạt động của mắt và sự phân tán của ánh sáng. Đồng tử cũng như giác mạc của con người sẽ yếu dần qua năm tháng, nhất là đối với cánh tài xế phải thức đêm nhiều. Vậy nên, khi ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào chúng, một ít ánh sáng bị phân tán vào bên trong con ngươi khiến hình ảnh truyền tải vào não bộ bị nhòe hoặc tạo nên hiện tượng mất hình.
Vào buổi tối, đồng tử sẽ mở rộng hơn để thu nhiều ánh sáng vào hơn. Đây cũng là lý do khi mới bước vào khu vực bóng tối, mắt sẽ không thể nhìn thấy gì cho đến vài giây sau mới thích nghi dần với điều kiện ánh sáng yếu. Do vậy, khi tham gia giao thông trên phố vào buổi tối và bất chợt bắt gặp ánh đèn quá sáng từ ô tô hay một số phương tiện độ đèn chiếu sáng có cường độ cao, tài xế thường bị lóa và từ đó có thể gặp nhiều hiểm họa khôn lường.
Việc thiếu khả năng quan sát giao thông xung quanh, dù chỉ một thoáng chốc, tài xế có thể gây nguy hiểm cho những người lưu thông cùng chiều hay ngược chiều. Nhất là ở Việt Nam khi các thành phố có lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc. Cơ sở hạ tầng còn chưa theo kịp, cong nhiều ổ gà, ổ voi. Việc sơ sẩy một thoáng chốc cũng có thể dẫn dến những rủi ro liên hoàn.
Chính vì vậy, việc ô tô được trang bị đèn LED bật pha trong đô thị hay những phương tiện độ đèn chiếu sáng có cường độ lớn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi tham gia giao thông. Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra văn bản từ chối đăng kiểm đối với ô tô độ đèn chiếu sáng có cường độ quá lớn. Đây là một việc làm góp phần giảm tải các nguy cơ gây mất an toàn từ các loại đèn có công suất lớn.
Tài xế cũng cần phải chú ý những kỹ năng an toàn khi điều khiển ô tô vào ban đêm. Khi 2 xe còn cách nhau rất xa thì có thể bật pha chạy cho an toàn. Nếu khoảng cách giữa 2 xe còn khoảng 300-500m hoặc khi xe ngược chiều nháy pha nhắc thì cần chuyển sang đèn cốt ngay.
Ngoài ra, trường hợp xe ngược chiều sử dụng đèn cốt, tài xế nên đá pha cách 5-10 giây, để có thể quan sátđoạn đường xe mình sẽ đến trong 5-10 giây tới. Khi còn cách xe đối diện khoảng 50 m thì mắt nhìn vô lề và bật pha lên chạy tiếp.
Trường hợp, xe ngược chiều dùng đèn pha, tài xế cũng nên dùng đèn cốt, mắt không nhìn vô đèn pha xe ngược chiều. Lái xe chạy căn theo vạch giữa đường nhưng mắt mình nhìn vô lề đường, nhờ ánh đèn xe pha xe ngược chiều để xem đường chạy. Cách 5-10 giây lại đá pha một lần để xem có chướng ngại vật gì không.
Tất nhiên, cũng không thể tránh được khả năng ngoài ý muốn. Vì vậy tài xế cần hiểu rõ tác hại của ánh sáng đèn xe quá mạnh và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần thành thạo các kỹ năng về đánh đèn pha, đèn cốt để đảm bảo an toàn hơn khi lưu thông vào ban đêm.