Cụ thể, 1 tài xế của hãng Taxi G7 có lắp khoang chắn ngăn cách với hành khách ngồi phía sau và hành khách ngồi ghế phụ. Đây có thể xem là chiếc taxi đầu tiên ở Việt Nam có lắp khoang chắn bảo vệ tài xế. Và thu hút sự quan tâm của dư luận rất cao.
Nhiều người cho rằng, điều này là cần thiết để bảo vệ an toàn cho tài xế tránh những rắc rối không đáng có. Đặc biệt là vụ việc tài xế taxi bị cứa cổ ở trước cổng sân vận động Mỹ Đình xảy ra tối 29/1/2019 vừa qua.
Trên thế giới hiện nay, nhiều hãng taxi cũng đã bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo vệ tài xế của họ bằng cách lắp các khung sắt, tấm kính chắn kiên cố ngăn cách ghế lái với ghế phụ. Chính những tài xế cũng kiến nghị rằng họ cần được bảo vệ nhiều hơn sau các vụ tấn công, cướp bóc khi đang làm việc.
Các tài xế ở Trung Quốc thì thiết kế cho mình những thanh kim loại cứng tạo thành một hàng rào bao quanh ghế lái. Ở những thành phố đông đúc, sầm uất hơn thì nâng cấp lên thành vật liệu mica cứng trong suốt. Hãng xe Spring Taxi của Canada cũng đã áp dụng cách bảo vệ này cho các tài xế từ gần 10 năm trước.
Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng tấm chắn khiến xe và cả người lái cảm thấy tù túng hơn khi lưu thông, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đó là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho tài xế khi những kẻ tội phạm ngày càng manh động và ra tay tàn nhẫn hơn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc rằng, việc lắp đặt thanh chắn bảo vệ tài xế taxi nói trên làm thay đổi kết cấu của xe và có được cơ quan chức năng chấp nhận. Việc đăng kiểm có thực hiện dễ dàng hay gặp phải nhiều vấn đề. Liên quan đến sự việc trên, đại diện hãng taxi này cũng cho hay, tài xế taxi tự ý làm chứ không phải do hãng triển khai đồng bộ.
Tóm lại, dù có được chấp thuận hay không, tài xế taxi khi hành nghề cũng nên trang bị nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân hơn. Cần nâng cao cảnh giác, nhận diện khách hàng để tránh những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt là khi đi vào những địa bàn vắng người, vùng sâu, vùng xa.