Làm chủ tốc độ khi lái xe là một việc rất cần thiết đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cỡ lớn như ô tô.
Điều khiển tốc độ xe ô tô thực ra là kỹ năng sử dụng: côn, ga, số và phanh đúng cách để xe có thể chạy nhanh, chậm phù hợp với nhu cầu của người điều khiển và điều kiện của đường sá. Người điều khiển phương tiện giao thông nếu muốn chủ động trước mọi tình huống bất ngờ có thể đột ngột xảy ra trên đường thì luôn phải làm chủ được tốc độ của xe.
Việc kiểm soát được tốc độ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng quan sát, sự tập trung cao độ, trình độ phán đoán xử trí và kỹ thuật điều khiển xe ô tô của người lái xe. Làm chủ tốc độ sẽ việc điều khiển xe trở nên an toàn hơn, hạn chế xảy ra tai nạn. Thực ra không khó để có thể làm chủ tốc độ xe khi di chuyển trên đường. Đầu tiên, người lái xe cần tìm hiểu về kỹ thuật phanh xe ô tô đúng cách.

Người lái xe cần làm chủ tốc độ để đảm bảo an toàn
Sử dụng phanh, tận dụng sức ghìm của côn
Đối với phanh xe bình thường, người điều khiển phương tiện chỉ việc đạp lên chân bàn phanh, mạnh nhẹ tùy từng tình huống, lưu ý không đạp chân trái vào côn. Tiếp tục đạp phanh đến khi xe đã giảm tốc đạt mức độ phù hợp, nhanh chóng đạp côn chuyển xe về số hợp lý. Nhiều người cho rằng khi nhìn thấy đèn đỏ, việc đạp côn thả trôi sẽ giúp xe tiết kiệm xăng. Trên thực tế điều này hoàn toàn không cần thiết.

Sử dụng phanh xe đúng cách giúp lái xe làm chủ tốc độ
Khi sử dụng phanh, người điều khiển xe nên để côn bám và tận dụng triệt để sức ghìm của động cơ. Thả trôi sẽ khiến phanh không có sự giúp đỡ của động cơ nên phanh xe phải chịu áp lực lớn hơn để hãm toàn bộ xe. Nếu để côn bám, ngoài động cơ phanh xe không chỉ được động cơ hỗ trợ mà máy nén khí của điều hòa cũng góp phần ghìm xe.
Đưa xe về số thấp khi cần
Ngoài ra, còn có phương pháp phanh phối hợp vẫn thường được các lái xe sử dụng. Khi xe ô tô đang di chuyển xuống dốc dài và nguy hiểm hoặc xe đang di chuyển trên địa hình xấu như trơn lầy, ướt át, người lái xe cần phối hợp sử dụng phanh động cơ (đưa xe về số thấp) với phanh chân. Đối với các trường hợp nguy hiểm thì có thể phải sử dụng thêm phanh tay để bảo đảm an toàn, thậm chí trong một số trường hợp nguy hiểm bắt buộc phải sử dụng thêm phanh tay. Hạn chế thao tác nhấp nhả phanh vì sẽ ảnh hưởng tới độ bền của phanh, khiến má phanh nhanh bị mòn và quá nhiệt. Người điểu khiển xe chỉ nên thực hiện thao tác này trong tình huống quá gấp gáp.
Đạp phanh để bánh bị bó cứng khi cần phanh gấp
Trong trường hợp lái xe cần phanh gấp, hãy đạp phanh và tiếp tục giữ chặt cho đến khi cảm thấy bánh xe bị bó và trượt (xe không hệ thống chống bó cứng phanh ABS), nhanh chóng nhả phanh ra sau đó đạp mạnh ngay lập tức, lặp lại động tác liên tục. Phương pháp phanh gấp này giúp xe không bị trượt xoay ngang vì bánh bị bó cứng. Lưu ý lúc phanh không đạp chân côn.

Kỹ thuật phanh gấp rất cần thiết
Với xe có ABS thì đơn giản hơn rất nhiều. Người điều khiển chỉ cần đạp phanh thật lực, sau đó giữ chặt, hệ thống ABS sẽ tự xử lý việc bánh bị bó cứng. Để ý một chút người lái xe sẽ thấy đèn báo ABS cũng sáng lên trên taplo. Sau khi phanh gấp đến mức xe gần như dừng hẳn, lúc này người điều khiển xe cần đạp côn để ngắt động cơ. Thao tác tiếp theo là đạp âm côn để xe không bị chết máy, đồng thời ấn đèn tam giác cảnh báo tình huống khẩn cấp để các xe sau được cảnh bảo từ xa mà giảm tốc, tránh những tai nạn không đáng có xảy ra.
Hiểu biết và sử dụng côn thành thạo
Tiếp theo, để làm chủ tốc độ khi lái xe, người điều khiển phương tiện cần nắm rõ kiến thức về sử dụng côn xe đúng cách. Khi sử dụng côn tuyệt đối không được để ga ở mức lớn. Càng hạn chế sử dụng côn để điều khiển tốc độ càng có lợi cho xe ô tô. Khi muốn xe di chuyển ở tốc độ chậm, đặc biệt khi bắt đầu cho xe chuyển bánh ở nơi đông người, nơi có tình hình giao thông phức tạp, người điều khiển xe có thể kết hợp côn với chân ga. Lái xe không nên sử dụng kỹ thuật này khi điều khiển xe ở số cao, xe di chuyển với tốc độ nhanh hoặc di chuyển trên đường xấu, nhiều ổ gà.
Chuyển xe về số N
Chuyển xe về số N cũng là cách để kiểm soát tốc độ xe. Bên cạnh việc đạp phanh để xe di chuyển, người điều khiển xe nên cắt côn trên xe số sàn. Đối với xe số tự động hãy nhanh chóng chuyển số về vị trí N.

Hãy chuyển xe về số N khi cần thiết
Trường hợp chân ga xe ô tô bị kẹt khiến chiếc xe liên tục tăng tốc, việc chuyển số về N sẽ khiến số vòng tua động cơ tăng cao, khiến máy gầm. Xe số tự động thường được trang bị bộ kiểm soát số vòng tua, giúp giảm hoặc tắt hẳn động cơ khi số vòng tua máy lên quá cao, như vậy xe sẽ giảm tốc hoặc dừng lại dù chân ga bị kẹt. Ngoài ra, chuyển số về N sẽ vẫn giữ trợ lực lái và trợ lực phanh không bị ảnh hưởng, hỗ trợ người lái kiểm soát xe.
Thành An