Nhanh một giây, chậm cả đời
Hôm qua, một vụ va chạm giữa tàu hỏa và người đi đường khiến nhiều người hoang mang. Theo ghi nhận thì một thanh niên đã bị tàu cán qua người khi băng qua đường ray. Nạn nhân mất hai chân và đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Đây chỉ là một trong số những vụ tai nạn liên quan đến tàu hỏa trong năm nay. Cách đây không lâu, vào ngày 15/11, một vụ tai nạn nghiêm trọng ở Nghệ An giữa ô tô và tàu hỏa khiến 1 nạn nhân tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được cho là tài xế này cố băng qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt.
Trước đó không lâu, vào tháng 11, tàu SE8 lộ trình TP.HCM đi Hà Nội khi đến km 299 + 500 (thuộc xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã đâm vào 1 người đàn ông. Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Nguyên nhân cũng là cố ý băng qua đường sắt.
Xa hơn một chút, vào tháng 8, tại Biên Hòa, Đồng Nai, một nam thanh niên điều khiển xe máy đã đâm vào rào chắn, làm rào chắn đổ xô vào đường ngang. Lúc này, tàu hàng HH5 lao tới, tông nạn nhân tử vong.
Trong tháng này, lại tiếp tục xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trên cùng 1 tuyến. Một đoàn tàu Bắc-Nam khi đến địa phận thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa thì xảy ra va chạm với một người phụ nữ đi xe máy. Sau khi xử lý xong, đoàn tàu tiếp tục di chuyển, nhưng chạy thêm được khoảng 36km, lại tiếp tục đâm phải một người đàn ông ngồi trên đường sắt.
Rồi tháng 7, một vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô khách tại tỉnh Bình Thuận, làm 3 người chết và 1 người bị thương. Sáng cùng ngày, tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn đường sắt làm 1 người chết. Nguyên nhân chỉ vì cố vượt qua đường tàu dù gác chắn đã hạ xuống.
Ý thức vẫn là trên hết
Dù xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm như vậy nhưng phần lớn người dân vẫn quá thờ ơ, thậm chí là chủ quan khi băng qua đường ray.
Nhìn vào những vụ việc trên thì đa phần là cố ý băng qua đường ray dù đã được cảnh báo bởi hệ thống đèn và rào chắn. Nhiều người nghĩ đèn báo thế thôi chứ còn lâu tàu mới đến, chờ 5, 10 phút chứ chẳng ít. Thế là cứ bất chấp băng qua để kịp giờ.
Một số nơi không có rào chắn thì người điều khiển xe khi băng qua đường ray lại thiếu quan sát, kỹ năng lái xe kém dẫn đến các va chạm đáng tiếc. Quá xem thường tính mạng của bản thân cũng như người đi đường xung quanh.
Nhiều nơi còn mở các quán café dọc đường ray xe lửa càng nguy hiểm. Nhiều bạn trẻ còn thích tự sướng trên đường ray bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Cách đây không lâu, Hà Nội cũng đã ra quân đóng hàng loạt các quán café kiểu này.
Nhiều người còn cho rằng nguyên nhân khách quan đến từ cơ sở hạ tầng đường sắt. Phải thừa nhận rằng sự xuống cấp trầm trọng của nó. Thực tế thì rất nhiều khu vực đường ngang giao cắt đã xuống cấp, mặt đường gồ ghề, độ dốc lớn. Các rào chắn thô sơ, lực lượng nhân viên gác chắn mỏng. Rồi khoảng cách an toàn tại các đường ngang giao cắt đường sắt với khu dân cư vẫn còn khá hẹp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho hạ tầng cơ sở được. Đầu tiên cần phải tự nhìn nhận vào ý thức người điều khiển phương tiện. Chẳng ai chấp nhận hay bao biện cho những hành vi coi thường tính mạng của mình như việc cố ý băng ngang đường sắt dù đèn đỏ đã báo hiệu dưới bất kỳ lý do gì.
Hãy chậm lại một chút, quan sát kỹ trước khi muốn băng qua đường ở những nơi không có đèn tín hiệu. Đặc biệt phải chấp hành tốt sự hướng dẫn của các nhân viên gác tàu hay không được cố ý vượt hệ thống rào cản khi tàu sắp đến.