Đã có không ít trường hợp dù khách hàng đã đặt cọc mua xe nhưng đại lý ô tô vẫn diện cớ huỷ cọc hay tăng giá bán xe trái với thoả thuận ban đầu.
Khi đi mua xe, nếu chiếc xe khách hàng chọn không có sẵn trong kho do đang hết hàng hoặc chưa về kịp, nhân viên bán xe sẽ đề xuất việc đặt cọc nhằm xác nhận mua hàng. Khi có xe đại lý sẽ tiến hành giao xe và khách hàng trả nốt số tiền còn lại để hoàn thành giao dịch. Theo Điều 328 – Bộ luật Dân sự nước ta năm 2015, đặt cọc nhằm mục đích “đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Đây chính là ý nghĩa của việc đặt cọc.
Khi xe không có sẵn trong kho, nhân viên thường đề xuất khách hàng đặt cọc
Làm gì khi đại lý ô tô huỷ cọc?
Để hiểu rõ hơn về việc đặt cọc, tốt hơn hết người mua xe cần phải nắm rõ luật. Quy định 328 bộ luật Dân sự đã ghi rõ: “Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Điều này có nghĩa là, khi bạn đặt cọc một khoản tiền 50 triệu đồng để mua xe, nếu như bạn đơn phương huỷ hợp đồng thì sẽ không nhận lại được tiền cọc. Ngược lại, nếu như đại lý huỷ hợp đồng trước thì họ sẽ phải trả lại cho bạn khoản tiền tổng cộng là 100 triệu đồng.
Đại lý phải hoàn trả gấp đôi tiền cọc nếu không thực hiện đúng hợp đồng
Chính vì vậy, nếu như hợp đồng đặt cọc mua xe ô tô được lập theo đúng luật thì bạn có quyền yêu cầu đại lý trả lại số tiền gấp đôi tiền cọc, mà bạn đã đưa trước đó khi họ đột ngột huỷ cọc. Và nhiều người có cùng câu hỏi: đặt cọc mua xe ô tô có lấy lại được không thì câu trả lời là không nếu bạn đột nhiên huỷ hợp đồng không có lý do.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều khoản trong luật chỉ là trên lý thuyết. Hiện nay hầu hết đại lý đều không áp dụng quy tắc đặt cọc này khi xây dựng hợp đồng để tránh việc bồi thường khi không có xe để bán. Đổi lại, họ “khôn khéo” đưa ra phương án hoàn lại đúng số tiền cọc cho khách hàng nếu đại lý vi phạm hợp đồng, và nếu khách hàng vi phạm thì sẽ bị mất tiền cọc.
Nhiều đại lý đưa ra hợp đồng không nhắc đến trách nhiệm của mình
Điều này dẫn đến bất lợi cho người mua hàng. Trên thực tế đã có không ít tranh cãi xảy ra về vấn đề tiền cọc mua xe. Nhiều khách hàng cho biết khi không có xe để giao, đại lý chỉ giải quyết đơn giản là trả lại tiền cọc mà không có bất cứ khoản bồi thường nào.
Chính vì vậy, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người mua xe nên tìm hiểu kỹ để tránh mất quyền lợi trong hợp đồng đặt cọc mua xe ô tô. Trước khi ký kết hợp đồng, cần phải đọc kỹ các điều khoản, nếu phát hiện bên đại lý không đưa vào điều khoản đền bù gấp đôi số tiền cọc trước đó thì hãy thắc mắc ngay để được giải quyết. Ít nhất nếu đại lý chỉ cần trả lại đúng số tiền cọc khi họ huỷ hợp đồng thì bạn cũng phải được trả lại đầy đủ tiền cọc nếu chính bạn là người huỷ.
Làm gì trong trường hợp xe đột ngột bị nâng giá?
Đây cũng không phải là trường hợp hi hữu trong giao dịch mua xe, nhiều khách hàng cho biết họ đặt cọc mua xe với giá tiền đã quy định trước đó, nhưng đại lý lại đột ngột nâng giá xe. Lúc này, đại lý đưa ra hai sự lựa chọn cho khách hàng: hoặc tự nguyện xin rút lại tiền cọc theo hướng dẫn của họ, hoặc chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn ban đầu để mua chiếc xe ô tô mình đã chọn trước đó. Nhiều người vẫn “ngoan ngoãn” làm theo hướng dẫn trong khi ấm ức vì cảm giác “bị gài”, và điều này là hoàn toàn sai lầm.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định các doanh nghiệp kinh doanh không có quyền hạn quy định đối với các hợp đồng theo mẫu. Chính vì vậy nếu muốn thay đổi giá, họ bắt buộc phải ghi rõ trong hợp đồng điều khoản: cho phép tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hoá hoặc thời điểm cung ứng dịch vụ.
Trước khi ký hợp đồng cần xem xét kỹ các điều khoản
Khi làm thủ tục cọc xe ô tô, nếu bạn nhận thấy điều khoản trên xuất hiện trong hợp đồng thì tốt hơn hết là nên thắc mắc ngay đề được loại bỏ, hoặc bỏ qua dịch vụ của đại lý này, bởi vì nhiều khả năng họ sẽ đột ngột tăng giá xe. Và một khi đã ký rồi bạn không thể nào đòi quyền lợi được nữa. Xe ô tô là một tài sản không nhỏ, vì vậy những vấn đề liên quan đến hợp đồng trong quá trình mua xe đều cần phải cân nhắc kỹ càng và tìm hiểu trước để tránh những thiệt hại không đáng có. Và đối với việc mua bất kỳ sản phẩm nào, hãy luôn là người tiêu dùng thông minh.
Minh Anh