Tại buổi tọa đàm trực tuyến về Quy định mới trong xử phạt giao thông, do báo Giao thông tổ chức ngày 22/7, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thừa nhận, dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, song, phân tích cho thấy rượu bia vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT, nhất là vụ những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khi điều khiển mô tô, ô tô. Vi phạm nồng độ cồn chiếm khoảng từ 10-20%.
Do vậy, thời gian tới, cần tăng mạnh tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Người tham gia giao thông hoàn toàn bình thường mà từ chối thổi vào ống thổi đo nồng độ cồn vẫn bị coi là chống đối người thi hành công vụ (ảnh minh họa
Việc tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo NĐ 46 lên 18 triệu cũng nhằm mục đích ngăn ngừa vi phạm, hạn chế tối đa việc người đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện. Ngoài phạt tiền, còn phạt bổ sung là tước GPLX tăng 6 tháng đối với ô tô.
“Việc tăng mức phạt là để góp phần ngăn TNGT do nguyên nhân từ rượu bia”, ông Thái nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngay cả khi mức phạt được tăng lên 18 triệu, cũng có ý kiến cho rằng con số này chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, trong quá trình xây dựng Nghị định 46, các thành viên hiệp hội cho rằng việc xử phạt hành chính ở mức 18 triệu đồng là chưa đủ. Hiệp hội đã kiến nghị nâng lên mức xử phạt là xử lý hình sự, ông Thanh nói.
Về việc vì sao gần đây, cảnh sát giao thông (CSGT) không tiếp tục xử phạt vi phạm nồng độ cồn tại những điểm gần quán rượu bia như trước, Thượng tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an, cho biết CSGT sẽ có kế hoạch thực hiện những đợt cao điểm xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Đây chỉ là một trong những nội dung xử phạt, nên ưu tiên lực lượng 100% thời gian chỉ để xử lý vi phạm nồng độ cồn là rất khó.
Tại Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội, giải thích, dựa trên cơ sở thực tiễn, CSGT Hà Nội sẽ lựa chọn những khu vực tuần tra không ảnh hưởng tới quá trình lưu thông để triển khai tổ tuần tra.
Chẳng hạn, nếu khu vực tuần tra ở gần quán bar, nhà hàng nào ảnh hưởng tới giao thông, CSGT sẽ chuyển địa điểm, làm sao không ảnh hưởng tới tình hình giao thông.
Ngoài ra, CSGT Hà Nội kết hợp quá trình tuần tra kiểm soát công khai và hoá trang để kịp thời phát hiện các trường hợp sau khi sử dụng rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện.
Một độc giả thắc mắc, nếu người tham gia giao thông hoàn toàn bình thường, từ chối thổi vào ống thổi đo nồng độ cồn thì có bị coi là chống đối người thi hành công vụ hay không?
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, theo Nghị định 46 thì đó cũng là hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ. Chống đối người thi hành công vụ là hành vi vi phạm cao nhất và có thể bị xử lý hình sự.
Vượt đèn vàng có phạm luật?
Việc vượt đèn vàng có phạm luật giao thông hay không, có bị phạt không,… nhiều người cũng băn khoăn.
Thượng tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết, NĐ 46 đã bổ sung cụ thể về vấn đề này. Điều 38 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ: Đèn đỏ không được đi, đèn vàng phải giảm tốc độ. Nếu đã đi vào khu vực ngã tư rồi thì được đi tiếp. Còn nếu chưa thì phải dừng lại.
Đã đi qua vạch dừng rồi mà đèn vàng nổi thì vẫn không vi phạm
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng giải thích thêm, đèn vàng là dự lệnh, thông báo chuẩn bị đèn sang màu đỏ. Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông phải chuẩn bị dừng lại. Tín hiệu đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Trong trường hợp đi qua vạch dừng rồi thì được đi tiếp mà không phạm luật.
“Đã đi qua vạch dừng rồi mà đèn vàng nổi thì vẫn không vi phạm vì lúc này người tham gia giao thông đang ở vị trí ưu tiên và vẫn tiếp tục được di chuyển” thiếu tá Hùng nói.
Trước đây, quy định tách thành 2 hành vi để phạt đó là phạt vượt đèn vàng và phạt vượt đèn đỏ. Nhưng với Nghị định 46 thì phạt hai hành vi như nhau.
Dừng đỗ xe trên đường cao tốc: Phạt 5-6 triệu
Liên quan đến các phương tiện giao thông tham gia trên đường cao tốc, ông Hoàng Thế Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, cho hay, Nghị định 171 đã có quy định, NĐ 46 chỉ cập nhật, bổ sung mức phạt phù hợp với tính chất vi phạm.
Đơn cử, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc (điểm b khoản 5 Điều 6): Tăng mức phạt tiền từ 200.000- 400.000 đồng lên mức 500.000-1 triệu đồng; bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng;
Điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng;
Người đi bộ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 80.000- 100.000 đồng lên mức từ 100.000-200.000 đồng;
Đối với người điều khiển xe ô tô không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định (điểm c khoản 7 Điều 5), tăng mức phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng lên 5-6 triệu đồng.