Điều quan trọng hàng đầu là tài xế cần giữ được sự tập trung để giải quyết bất cứ tình huống nào trong suốt chuyến đi. Vì vậy, việc tắt điện thoại và hệ thống giải trí là việc cần làm đầu tiên khi lái xe trong thời tiết mưa bão. Bên cạnh đó là kiểm tra áp suất lốp, gương chiếu hậu, hệ thống cần gạt nước, hệ thống đèn có hoạt động tốt hay không.
Nên bật hệ thống đèn, thậm chí cả khi ban ngày. Thường xuyên quan sát phía sau qua gương chiếu hậu và đặc biệt lưu ý những sự việc đang diễn ra xung quanh như đống bùn, cây đổ, cột điện, dây điện hay những thứ gì khác có thể gây nguy hiểm.
Ngoài ra, tài xế nên bật chế độ sấy kính tránh hiện tượng mờ kính do hơi nước.
Một điều đặc biệt khi lái xe trong thời thiết mưa lớn là hiện tượng trượt nước, thuật ngữ “Hydroplaning” nghe có vẻ khá lạ lẫm với nhiều người, nhưng lại là hiện tượng rất dễ xảy ra khi lái xe trong mưa, có thể hiểu đơn giản khái niệm này là hiện tượng xe bị trượt nước do lái xe bị mất điều khiển. Tài xế cần lưu ý không dùng phanh tay khi xe bị trượt. Thay vào đó, hãy từ từ nhả chân ga và điều khiển xe đi thẳng cho tới khi xe lấy lại được ổn định, dùng phanh chân đạp nhẹ cho đến khi xe trở lại trạng thái cân bằng.
Bên cạnh đó, để tránh những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, tài xế nên giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh. Cần chuẩn bị và nâng cao cảnh giác khi phải lái xe trong mưa, nhất là vào buổi tối.
Song song với đó là chuẩn bị những đồ vật “bất ly thân” như kích mini, cờ lê, tuốc nơ vít, kìm cường lực, tay đòn nối để mở ốc la-zăng,… Khi cần, chính lái xe cũng có thể xử lý một số trường hợp trong khả năng như thay lốp dự phòng, kiểm tra và châm nước mát, dầu nhớt hay kích nổ xe khi xe hết ắc quy bằng ắc quy xe khác.
Sau khi đi qua đường ngập nước, mỗi tay lái nên rà thắng, nhồi thắng vài lần để cho nước thoát ra và khô và cứ thử sau khi thấy thắng có cảm giác thì tăng tốc.