Áp dụng đúng quy tắc 2 giây và 4 giây có thể giúp bạn lái xe ô tô an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro ngoài ý muốn có thể xảy ra trên đường.
Quy tắc 2 giây
Quy tắc “2 giây” ở đây tức là khoảng thời gian tối thiểu để bạn có thể nhận thông tin và xử lý nhanh, nhằm đưa ra những phản ứng trước các thay đổi khi xe ô tô đang lưu thông. Điều kiện của quy tắc này cần có là mọi thứ trong ngữ cảnh đang nói đến phải bình thường, tức là: xe hoạt động bình thường (phanh xe), đường sá và thời tiết đang ở mức bình thường, khả năng xử lý thông tin người lái xe cũng bình thường.
Không giữ khoảng cách tối thiểu rất dễ dẫn đến tai nạn
Nếu một trong những yếu tố nói trên có sự thay đổi như đường sá bị trơn trượt hay người lái xe đang mệt mỏi… thì cần phải tăng khoảng cách với xe trước để đảm bảo an toàn cho bạn và mọi người xung quanh. Để biết bạn đã áp dụng đúng quy tắc 2 giây để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa xe mình và xe đi trước hay chưa, rất đơn giản bạn chỉ cần sử dụng phép thử như sau:
Đầu tiên, bạn nhìn vào xe trước mình chạy qua một điểm cố định nào đó như biển báo, cái cây… để làm cột mốc cho riêng mình. Sau đó bạn bắt đầu đến từ giây thứ nhất đến giây thứ 2. Nếu nhẩm xong mà xe bạn chưa tới mốc bạn giao ước lúc trước thì đó là khoảng cách an toàn khi lái xe ô tô. Nếu ngược lại, tức là bạn tới điểm mốc trước khi đếm xong thì bạn cần giảm tốc độ của mình lại và bắt đầu chọn lại điểm mốc khác trên đường để đếm 2 giây như phía trên đã làm. Nếu đạt chuẩn như trường hợp đầu đề cập tới, bạn nên đảm bảo duy trì khoảng cách đó để lưu thông an toàn. Ngoài ra, có thể bạn sẽ bị nhẩm sai giây, để khắc phục điều đó, bạn nên nhẩm là “một không không một”, “một không không hai”… để đảm bảo nhất về mặt thời gian.
Quy tắc 2 giây giúp giữ khoảng cách an toàn hơn
Điểm hay của quy tắc này chính là có thể áp dụng với mọi mức tốc độ đang lưu thông trên đường và được áp dụng rộng rãi nhiều nước. Như bạn có thể đang chạy với tốc độ là 34 km/h (gần bằng 9 m/s) thì áp dụng vào quy tắc 2 giây thì khoảng cách tối thiểu bạn cần duy trì là 18m (9*2=18).
Quy tắc 4 giây
Sau khi đã hiểu việc áp dụng quy tắc 2 giây, chúng ta sẽ có thể giãn thời gian ra để có quy tắc 4 giây, 3 giây… Cần phải xem xét điều kiện đường sá lúc đó, tình trạng giao thông để quyết định là sử dụng quy tắc nào. Nếu điều kiện thời tiết là mưa mù thì ta cần phải tăng lên số giây là quy tắc 3 hoặc 4 giây.
Quy tắc 4 giây bằng ảnh
Một số quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các xe theo luật
Hiện nay luật cũng có các quy định về việc giữ cự ly tối thiểu giữa các xe. Trong thông tư số 13/2009/TT BGTVT – Điều 12 đã quy định rằng khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách được quy định theo tốc độ như sau.
Quy định khoảng cách an toàn thông tư 13
Bạn có thể thấy rằng trong bảng trên có 4 mức khoảng cách tối thiểu. Tuy nhiên, bạn không cần phải nhớ cụ thể các mức trên mà bạn chỉ cần lấy số tốc độ bạn đang lưu thông trừ đi 30, bạn đã có được khoảng cách tối thiểu rồi. Ví dụ bạn đang ở vận tốc 100 km/h thì trừ đi 30 m sẽ ra khoảng cách tối thiểu an toàn giữa các xe là 70 m. Ngoài ra, khi đang lưu thông trên đường gặp biển báo 121 – thì cự ly tối thiểu sẽ như hình trên và bạn không phải quan tâm tới quy tắc 2 giây.
Biển báo quy định khoảng cách
Quy tắc 2 giây, 4 giây có áp dụng được ở đường Việt Nam không?
Trên thực tế giao thông Việt Nam hiện nay, đây là câu hỏi không có câu trả lời chung cho mọi tình huống. Bởi vì giao thông nước ta khá phức tạp cũng như ý thức tuân thủ giao thông ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Cho nên, việc sử dụng các quy tắc không còn hiệu quả nhiều. Bạn cần phải linh hoạt áp dụng theo tùy điều kiện đường. Bao gồm:
Đường nội thành
Theo kinh nghiệm lái xe ô tô nội thành, đường khu vực nội thành có mật độ xe ô tô cao thì sẽ khó lòng dùng nguyên tắc cứng nhắc được. Ví dụ như bạn đang đi với tốc độ 20 km/h, theo nguyên tắc 2 giây, bạn phải cách xe trước tối thiểu 11 m. Vậy bạn thấy khoảng cách trên có hợp lý với đường nội thành Việt Nam hiện nay không? Tin chắc rằng là không. Bởi vì, chỉ cần bạn nới lỏng khoảng cách với xe đằng trước ra khoảng 5 – 6 m (chưa đến 11 m) thì sẽ có một số chiếc xe khác chen ngang vào để vượt lên rồi.
Lượng xe ở nội thành TP. HCM khá đông đúc
Vậy với đường nội thành, ta có thể rút ra kết luận là khó thể áp dụng quy tắc 2 giây, bởi mật độ xe lưu thông không ổn định và vài điều kiện bất ổn khác. Các bạn khi tham gia lưu thông bằng ô tô trong nội thành cần phải quan sát thật tốt và bình tĩnh trước mọi tình huống để có thể phản ứng nhanh.
Xem thêm Bác tài chuyên nghiệp bật mí kỹ thuật lái xe trên đường hẹp đường kẹt xe
Đường cao tốc
Vì đường cao tốc các xe di chuyển với vận tốc khá cao nên bạn cần tăng khoảng cách lên thêm để tránh các tai nạn nặng nề. Vậy bạn nên tăng lên quy tắc 3 giây, 4 giây để có thể đảm bảo an toàn và tuân thủ luật pháp.
Lưu thông ở cao tốc nên tăng lên quy tắc 3 giây, 4 giây để có thể đảm bảo an toàn
Đường quốc lộ
Khi đi đường quốc lộ, thường lượng xe sẽ khá ổn định, bạn có thể sử dụng quy tắc 2 giây để đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn để đảm bảo cho bạn.
Tóm lại, các quy tắc 2 giây, 3 giây, 4 giây đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi, cũng như khá dễ để ứng dụng. Tất cả là để tạo ra một khoảng cách an toàn tối thiểu để bạn kịp phản ứng trước các tình huống khi lưu thông; do đó việc sử dụng hiệu quả sẽ giúp bảo vệ bạn và người thân của bạn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm lái xe ô tô, bạn không cần phải áp dụng một cách cứng nhắc mà nên linh hoạt miễn sao vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn, đúng luật, nhanh chóng.
Phương Thân