Về hay ở?
Hiện nay, các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trong cả nước dừng mọi hoạt động vận chuyển. Điều này khiến nhiều người lo lắng khi không thể bắt xe hay tàu để về quê. Một số người lựa chọn lái xe máy về nhà.
Chị Quỳnh Nhi, quận 12: “Mặc dù chính phủ đã hạn chế đi lại nhưng bản thân vẫn muốn về bên cạnh người thân vào thời điểm này. Dù gì nó mang lại cảm giác an toàn hơn trong lúc khó khăn đủ mọi thứ”.
“Ở trong này cũng “ngán”, mỗi ngày phải tiếp xúc với nhiều đối tượng nghề nghiệp khác nhau. Dù mình đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên nhưng ai biết đâu được. Thôi đóng cửa, tranh thủ cùng vợ về quê cho an toàn”, anh Quang Nhân, chủ tiệm tạp hóa trên đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp trao đổi với CafeAuto.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng không nên lái xe máy về quê. Việc này vừa gây nguy hiểm cho mình, vừa ảnh hưởng đến người khác. Bản thân không biết có dính phải dịch hay không. Nếu vô tình có mà về quê thì khả năng lây lan càng khủng khiếp hơn.
“Đồng ý nhiều người thất nghiệp, ở lại thì tốn kém đủ thứ, trong khi không kiếm ra tiền. Về quê may ra còn có rau củ vườn nhà cũng đỡ. Nhưng lái xe từ vùng dịch về quê thì khả năng mang virut theo khá cao, rất nguy hiểm”, anh Trọng Đức nói.
Chưa kể, về quê chủ quan tham gia nhiều thú vui với bạn bè, họ hàng, người thân cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm lây bệnh. Người dân vùng này vẫn còn chủ quan vì dịch chưa tới, kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.
Rồi cơ sở y tế, trang thiết bị, khẩu trang, nước rửa tay còn hạn chế cũng gây ra nhiều trở ngại trong việc phòng dịch. Khi quay lại thành phố làm việc, không cẩn thận lại mang mầm bệnh đến. Làm mất công phòng chống dịch của cả thành phố.
Kiểm tra xe, hạn chế hành lý để đảm bảo an toàn
Trong trường hợp bạn bắt buộc phải về quê bằng xe máy thì cũng nên nắm vững một số kiến thức để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Đầu tiên, hãy theo dõi sức khỏe của mình có biểu hiện gì bất ổn không. Nếu ổn định thì có thể lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi bằng xe máy của mình. Ngoài ra, chú ý kiểm tra các bộ phận của xe như hệ thống phanh, hệ thống truyền động như dây curoa trên xe tay ga hay nhông dĩa trên xe số.
Hệ thống đèn chiếu sáng, xi nhan, dầu nhớt, bugi, bình ắc quy,dầu thắng… Nếu bộ phận nào đã quá cũ thì nên thay mới. Hãy đảm bảo chiếc xe của bạn trong trạng thái tốt nhất trước chuyến đi dài. Đừng để đang đi thì tắt máy do hết nhớt, đổ đèo thì phanh hỏng, dừng xe nghỉ ngơi thì đề không nổ…Nó khiến bạn mất thời gian vừa tạo cảm giác ức chế bực bội.
Ngoài ra, nên trang bị thật tốt các dụng cụ bảo vệ như nón bảo hiểm. Nhiều biker lâu năm chia sẻ nên sử dụng các loại mũ dạng ¾ hay fullface để đảm bảo an toàn tối đa cho phần đầu. Ngoài ra, nó còn hạn chế bụi bặm, côn trùng bay vào mặt khi lái xe đường đài.
Hãy tìm hiểu các điểm dừng chân trên lộ trình. Nên dừng chân mỗi 100 km, điều này vừa giúp cơ thể bạn nghỉ ngơi, đồng thời cho phép động cơ xe cũng tạm dừng hoạt động. Tránh thói quen sử dụng nước lạnh đổ lên phần động cơ xe để giải nhiệt nhanh chóng. Nó chỉ khiến bộ phận này dễ hỏng do thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột mà thôi.
Hành lý cũng nên gọn gàng, hạn chế mang vác lỉnh kỉnh. Nên sắp xếp và buộc trên xe thật chặt, tránh rơi rớt làm ảnh hưởng an toàn cho người chạy sau. Tuy vậy, hãy đảm bảo mang đầy đủ khẩu trang để thay đổi liên tục khi có tiếp xúc với người khác.
Hãy tuân thủ luật lệ giao thông và chú ý quan sát các biển báo khi lái xe, chạy đúng tốc độ, quan sát tình hình xe cả phía trước lẫn phía sau. Đừng vì nôn nóng về quê mà phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ qua đèn đỏ…Điều này có thể dẫn đến những tai nạn nghiệm trọng, nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Tranh thủ kết thúc nhanh chóng chuyến lộ trình của mình. Đừng vì cảnh đẹp hay vài tấm ảnh mà dừng lại tham quan, vui chơi. Chẳng ai có thể lường trước được nó có thực sự an toàn, không mang mầm bệnh hay không.
Cuối cùng, hãy vệ sinh cơ thể trước khi vào nhà. Khai báo y tế với cơ quan chức năng địa phương. Đồng thời tự cách ly trong nhà tối thiểu 14 ngày. Việc này là hết sức cần thiết đối với sức khỏe của bạn cũng như người trong gia đình.