Kỹ thuật phanh là kỹ thuật an toàn đầu tiên mà tài xế cần biết trước khi bắt đầu lái ô tô, kỹ thuật này nếu luyện tập thành thục sẽ giúp tài xế tránh được căng thẳng, mệt mỏi trong lúc lái xe cũng như chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ trên đường. Do vậy, ngay từ đầu, tài xế cần phải biết cách sử dụng phanh an toàn, chính xác và vận dụng các kỹ thuật này vào đúng thời điểm và điều kiện địa hình.
Tài xế cần phải thuần thục các kỹ thuật để chủ động ứng biến với các tình huống bất ngờ.
Theo kinh nghiệm lái xe ô tô, dù di chuyển trên kiểu đường nào thì cũng cần nắm rõ 5 kỹ thuật phanh chính sau đây: phanh theo nhịp, nhấp phanh, rà phanh, giảm tốc kết hợp phanh bằng số và phanh gấp.
1. Phanh theo nhịp (Cadence Braking) – nhấp/nhả liên tục: Kỹ thuật nhấp nhả phanh liên tục để có thể vừa bẻ lái, vừa phanh, khuyến nghị được sử dụng trên điều kiện đường trơn trượt. Và nó cũng rất hiệu quả để sử dụng trong trường hợp dừng xe khẩn cấp khi xe đang di chuyển ở tốc độ cao.
Thao tác khi sử dụng kỹ thuật này là đầu tiên đạp phanh nhẹ, sau đó mạnh dần lên và kết thúc là phanh nhẹ trước khi xe dừng hẳn; lặp lại thao tác này theo nhịp độ đều đặn cho đến khi xe dừng hẳn mà không đạp phanh gấp ngay.
Kỹ thuật này thường được áp dụng trước khi có hệ thống chống bó cứng phanh ABS ra đời. Nhưng tài xế cũng nên học kỹ thuật này để áp dụng khi cần giảm tốc trên đường trơn trượt mà vẫn còn đủ khoảng cách để hãm tốc.
2. Kỹ thuật nhấp phanh: Đây cũng là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất mà tài xế phải biết. Khi di chuyển trên đường mà cần giảm tốc độ từ từ, tài xế không cần phải phanh gấp đột ngột. Thay vào đó, tài xế nên nhấp phanh để giúp xe giảm tốc độ êm và an toàn hơn.
Kỹ thuật nhấp phanh được thực hiện như sau: đạp phanh hơi mạnh lần thứ nhất, để giảm tốc độ, khi tốc độ giảm dần xuống thì đạp phanh nhẹ các lần tiếp theo để tận dụng đà của xe. Đệm phanh liên tục cho đến khi xe dừng hẳn.
3. Rà phanh (Trail Braking): Đây là kỹ thuật được nhiều tay đua áp dụng để vượt qua vòng cua với thời gian tối thiểu. Kỹ thuật này được hiểu là trong khi xe đang chạy ở tốc độ cao, tài xế bắt đầu áp một lực phanh vừa đủ khi vào cua, giữ phanh hờ (rà phanh) cho đến khi thoát ra khỏi khúc cua, điều này sẽ giúp xe vẫn giữ được tốc độ cao nhưng không bị mất lái. Do là kỹ thuật khó, nên chỉ những tay đua chuyên nghiệp hoặc người đã lái xe lâu năm mới nên dùng.
Kỹ thuật rà phanh thường được các tay đua áp dụng trên xe số sàn.
4. Giảm tốc kết hợp phanh bằng động cơ (phanh bằng số): Cách này được hiểu đưa xe về chế độ số sàn hoặc đưa xe về các số thấp, kết hợp việc nhấp phanh từ từ. Đây là kỹ thuật thường được sử dụng khi xe đi đổ đèo dốc có độ nghiêng lớn.
Kỹ thuật này cũng được khuyên dùng trong trường hợp xe bị cháy má phanh hoặc mất phanh. Trong nhiều tình huống, người dùng còn có thể kết hợp với phanh tay để giảm tốc độ của xe.
5. Kỹ thuật phanh gấp: Đối với những xe có hệ thống chống bó cứng phanh ABS, tài xế chỉ cần nhấn phanh nhanh và mạnh nhất có thể, sau đó nhả ra hoàn toàn để đảm bảo rằng bánh xe không bị khóa lại. Với những xe đời cũ không có ABS, tài xế phải áp dụng cách phanh nhấp/nhả liên tục, không được đạp phanh sâu vì rất có thể bị khóa bánh.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày nay, nhiều công nghệ hỗ trợ phanh hiện đại như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống hỗ trợ lực phanh BA, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD… đã trở thành trang bị tiêu chuẩn. Các công nghệ này hỗ trợ đắc lực để giúp giảm quãng đường phanh, tối đa hiệu quả mà xe không bị rê, bó cứng. Mặc dù vậy, đây vẫn là các công nghệ hỗ trợ, việc xử lý an toàn, chính xác vẫn là do người lái quyết định.
(Nguồn ảnh: Internet)