Không ít người khi bị CSGT tuýt còi yêu cầu dừng xe thường cảm thấy run sợ, lo lắng, dẫn đến việc “đi cửa sau” cho công an để được đi tiếp. Hay cũng có một số bộ phận không nhỏ CSGT lợi dụng chức quyền để làm điều bậy, xử lý không đúng chuẩn mực gây phẫn nộ trong lòng người dân.
Kinh nghiệm xử lý từ A-Z cho các bác tài bị CSGT tuýt còi
Chính vì thế, việc nắm bắt kiến thức về Luật giao thông đường bộ mới nhất và cách ứng xử hợp tình, hợp lý sẽ giúp người tham gia giao thông tự bảo vệ được quyền lợi của mình. Trong bài viết này, Oto.com.vn đã tổng hợp và chia sẻ lại đến độc giả những kinh nghiệm ứng xử quan trọng khi bị CSGT dừng xe.
Đầu tiên là dừng xe: Khi thấy hiệu lệnh dừng xe của CSGT, người điều khiển phương tiện hãy giữ tâm thế bình tĩnh, giảm tốc độ di chuyển vào nơi CSGT chỉ dẫn và dừng xe an toàn. Các bác lái xe ô tô cần nhớ phải bật đèn dừng khẩn cấp để các phương tiện khác biết, tránh va chạm xảy ra.
Lưu ý trước khi thực hiện yêu cầu xuống xe của CSGT, tài xế hãy ngồi nguyên ở ghế lái, hạ kính xe xuống để chờ CSGT tới. Sau đó cần quan sát kỹ CSGT đó có biển tên hay thẻ xanh không để biết người này là thật hay giả mạo chức quyền. Bởi theo quy định tại Thông tư 45/2012/TT-BCA, chỉ có CSGT đeo thẻ xanh mới được dừng phương tiện đang lưu thông, nếu không có chính là giả mạo hoặc CSGT khác chỉ được tham gia hỗ trợ.
Trường hợp phát hiện CSGT đó không đủ điều kiện, thẩm quyền để làm việc , người tham gia giao thông nhất quyết không làm việc. Trường hợp chỉ có duy nhất 1 CSGT cũng không chấp hành theo vì Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định tổ CSGT đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phương tiện phải có tối thiểu 2 người.
Nếu trường hợp có người giả mạo làm CSGT để trục lợi, chúng ta tuyệt đối không xuống xe để tránh bị cướp, hành hung,… Sau đó nhanh chóng gọi ngay 113 cho công an để phản ánh. Khi có dấu hiệu không an toàn xảy ra, cần hô cứu từ những người xung quanh thật lớn và tìm phương án phòng vệ.
Thứ 2 là chào hỏi. Khi đã chắc chắn CSGT tuýt còi mình có đủ điều kiện, thẩm quyền để làm việc và được CSGT mời xuống giải quyết thì chúng ta mới xuống xe. Trước khi xuống xe, tài xế cần rút chìa khoá xe, chuẩn bị giấy tờ cần thiết đút vào túi cẩn thận để tránh bị “cướp”.
Khi được CSGT chào theo đúng điều lệnh, chúng ta cũng chào lại, xưng hô hợp lý. Người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu CSGT chào lại nếu chào chưa đúng hiệu lệnh rồi mới tiếp tục làm việc. Hơn nữa, chúng ta cũng có quyền sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng tố cáo, khiếu nại và bảo vệ bản thân nếu CSGT đó làm sai, vu khống,…Trường hợp phát hiện thấy mùi bia, rượu từ CSGT đó cũng kiên quyết không làm việc.
Thứ 3 là giải quyết vụ việc. Người bị tuýt còi cần hỏi rõ CSGT lý do vì sao mình bị yêu cầu dừng xe? Tuyệt đối không đưa giấy tờ cho cảnh sát kiểm tra trước khi họ nói rõ lý do. Theo quy định, cảnh sát giao thông chỉ được phép yêu cầu dừng phương tiện trong hai trường hợp gồm kiểm tra hành chính và xử lý lỗi vi phạm giao thông.
Trong đó, nếu chỉ kiểm tra hành chính thì CSGT phải có biên bản chuyên đề, mệnh lệnh hoặc kế hoạch do trưởng công an cấp huyện ký duyệt trở lên. Khi kiểm tra đúng, tài xế mới được đưa giấy tờ cho công an kiểm tra.
Trường hợp xử lý người vi phạm luật giao thông đường bộ, CSGT phải chứng minh được lỗi vi phạm. Khi CSGT cung cấp hình ảnh cho xem, bạn cần kiểm tra máy bắn đó có tem kiểm định còn thời gian cho phép hay không, hình ảnh có thuộc lỗi vi phạm hay không? Nếu đúng là bạn đã vi phạm, CSGT ra quyết định xử phạt có kèm hình ảnh bạn phải chấp hành theo.
Nhưng nếu không có bằng chứng chứng minh ngay lúc đó, CSGT làm nhiệm vụ phải có trách nhiệm hướng dẫn người vi phạm có thể xem lại bằng chứng ở đâu, như thế nào,… Khi bị yêu cầu ký vào biên bản xử phạt, các bạn hãy nói ý kiến của mình với CSGT và yêu cầu được ghi ý kiến của mình vào biên bản.
Nên nhớ trong quá trình này, việc ghi hình lại để làm bằng chứng rất quan trọng vì bạn đã đưa giấy tờ cho CSGT kiểm tra và họ hoàn toàn có thể nói rằng chưa cầm của bạn.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp tài xế không đưa giấy tờ cho công an kiểm tra khi họ chưa chứng minh lỗi sẽ bị dọa “đưa xe về đồn để giải quyết” hoặc bị quy vào tội “chống người thi hành công vụ”. Lúc này không cần phải lo lắng mà hãy bình tĩnh phản biện lại công an giao thông đó một cách lý lẽ.
Việc chúng ta không đưa giấy tờ trước khi công an nói rõ lý do vì sao yêu cầu mình dừng xe là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Có thể nói “đồng chí/anh/…không được lộng ngôn, vu khống cho tôi, điều tôi làm hoàn toàn chấp hành đúng quy định theo Điều 3, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13”. Nếu bị dọa đưa xe về đồn giải quyết, hãy đáp trả lại rằng: “Vâng, nhưng nếu các đồng chí không chứng minh được tôi đã phạm lỗi gì, tôi sẽ kiện các đồng chí tội vu khống và sai luật”.
Ngoài ra, những người có kinh nghiệm lái xe cho biết CSGT còn có chiến thuật khác là “xa luân chiến”. Tức là khi tranh luận, CSGT thấy đuối lý, bắt đầu “lảng” đi chỗ khác để một CSGT khác đến nói chuyện với bạn.
Lúc này hãy hỏi thẳng người CSGT đã dừng xe và làm việc với mình đầu tiên rằng: “Tại sao đồng chí/anh đang làm việc với tôi lại bỏ đi?”.
Nếu CSGT khác tiến đến nói chuyện với mình, hãy trả lời thẳng thắng: Tôi đang làm việc với đồng chí abc (tên CSGT đó), đồng chí không phải là người trực tiếp dừng xe của tôi nên tôi không làm việc với đồng chí!
Trường hợp người đến nói chuyện với mình có chức vụ cao hơn (sếp) CSGT ban đầu làm việc với mình thì mới làm việc với người đó. Khi được hỏi có chuyện gì xảy ra, chúng ta chỉ cần trả lời lại rằng: tôi đang làm việc với đồng chí cảnh sát giao thông abc, đồng chí này là người đã trực tiếp dừng xe của tôi, anh hãy yêu cầu đồng chí ấy báo cáo lại cho anh rõ.
Mọi người cần lưu ý, lúc này họ có thể “xuống giọng” nói chuyện với mình bằng những câu hỏi quan tâm liên quan đến vấn đề mua xe, đi lại của mình ra sao để “moi” ra lỗi vi phạm. Chúng ta hãy thật cảnh giác trước khi trả lời. Không việc gì phải luống cuống, hãy thật bình tĩnh, dõng dạc trả lời sẽ phá được chiến thuật “xa luân chiến” của CSGT.
Nói chung, một khi tài xế đã bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì đa phần đều có lỗi và phải nộp phạt. Do đó, việc nắm rõ kiến thức về luật sẽ giúp chúng ta tránh được những lỗi vi phạm bị “oan”, giảm mức độ thiệt hại về tài chính cho bản thân khi bị phạt tại chỗ hoặc “đi cửa sau”. Chúng ta hãy ứng xử có văn hoá, có pháp luật thay vì đứng cãi nhau với “người cầm quyền” vì vừa gây xích mích, vừa mất thời gian.
Nguồn ảnh: Internet