Hiện tượng xe bị tăng tốc đột ngột là điều mà cả những lái xe dày dặn kinh nghiệm cũng phải e ngại. Tuy nhiên, chỉ bình tĩnh và xử lý khi ô tô bị tăng tốc đúng cách, bạn có thể xử lý tình huống an toàn.
Tuy những khi xảy ra tình huống bất ngờ, hầu hết mọi người khó có thể thực hiện hết nhiều động tác chính xác như hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện một số ít biện pháp xử lý khi xe tăng tốc đột ngột, bạn cũng sẽ giảm thiểu được thiệt hại một phần. Vậy bạn phải làm gì khi ô tô tăng tốc đột ngột?
Ngay lập tức đạp phanh
Một trong những các xử lý nhanh nhất khi ô tô tăng tốc đột ngột đó là: hãy sử dụng hết sức của mình để nhấn phanh xe, bạn không nên nhấn nhồi phanh vì có thể sẽ làm hư hệ thống trợ lực phanh hoặc khiến các má phanh bị mòn dẫn đến việc nhấn phanh không còn ăn nữa. Nếu cảm thấy cần thiết, bạn hãy sử dụng cả hai chân để nhấn phanh nhằm gia tăng lực phanh lên mức cao nhất có thể.
Xem thêm Tổng hợp các kỹ thuật phanh ô tô cơ bản không phải ai cũng biết
Đạp phanh hết mức là hướng xử lý ban đầu quan trọng nhất.
Trả về số N
Ngoài việc đạp phanh, bạn có thể trả số về cấp N nhằm ngăn sức mạnh động cơ truyền tới bánh và giúp xe dừng lại. Đối với xe số sàn, bạn có thể sử dụng phương án cắt côn nhanh. Còn đối với xe số, bạn cần phải chuyển số về cấp N. Khi ấy, xe bạn có thể bị gầm lên do việc chuyển về N làm vòng tua động cơ tăng lên. Thế nhưng, bạn không cần phải bận tâm quá nhiều về việc này, do hiện nay hệ thống số xe tự động thường được trang bị bộ kiểm soát vòng tua nhằm tắt động cơ khi vòng tua lên mức cao. Ngoài ra, khi chuyển về số N, trợ lực lái và trợ lực phanh vẫn làm việc bình thường.
Nhìn chung, theo kinh nghiệm lái ô tô, sau khi đã thực hiện 2 động tác trên khi gặp trường hợp ô tô bị tăng tốc đột ngột, xe của bạn đã phần nào được kiểm soát và giảm tốc độ khá nhiều. Lúc này, bạn chỉ cần tấp xe vào lề. Thế nhưng, nhằm kiểm soát triệt để tình huống, bạn có thể thực hiện thêm một bước nữa là tắt hẳn máy xe.
Tắt hẳn máy xe
Bạn có thể xử lý tắt máy xe bằng cách giữ nút Start/Stop trong 3 giây trên những xe hiện đại hoặc xoay chìa về vị trí ACC. Tuyệt đối không được rút chìa ra vì sẽ gây khóa cứng vô lăng, bạn sẽ khó khăn hơn trong việc điều khiển xe của mình.
Tắt máy xe ô tô để xe dừng hẳn
Sau khi đã thực hiện hết những bước để dừng xe lại, bạn có thể tấp xe vào lề. Đặc biệt chú ý là không được chạy xe tiếp tục cho tới khi nào tìm ra được nguyên nhân khiến xe tăng tốc đột ngột. Bạn nên gọi đội cứu hộ xe tới và giúp bạn đưa xe về gara sửa chữa ngay lập tức.
Ngoài những cách xử lý tình huống xe điên ở trên, theo kinh nghiệm lái xe an toàn, bạn cũng có thể sử dụng phanh tay để nhằm giảm bớt tốc độ xe lại. Do phanh tay chỉ có tác dụng 2 bánh sau nên lực phanh tác động khá yếu, ít được các tài liệu về xe nhắc đến nhiều. Thế nhưng, khi bạn đang phải di chuyển với tốc độ cao, việc gia giảm bớt tốc độ cũng sẽ khiến bạn bình tĩnh lại phần nào và có những biện pháp xử lý tiếp theo hiệu quả hơn rất nhiều.
Việc hoảng loạn chỉ khiến tình huống tệ hơn
Trên thực tế, việc xe ô tô bị tăng tốc đột ngột không phải là hiếm gặp. Vào năm 2010, tại Mỹ, một chiếc xe Toyota Prius đã tăng tốc lên đến 150km/h, khiến người lái xe tên Sikes bị mất bình tĩnh. Trung bình cứ mỗi giây xe sẽ đi được 42m. Chỉ cần một giây lơ là cũng sẽ khiến người lái xe phải trả giá đắt. Trong lúc ấy, Sikes đã gọi cho số cảnh sát và nhờ hỗ trợ. Phía cảnh sát đã nhắc ông chuyển về số N và tắt động cơ, thế nhưng Sikes không thể làm gì được do quá mất bình tĩnh. Lúc ấy, một cảnh sát tuần tra ở California đã xuất hiện và hướng dẫn “khổ chủ” phanh tay để giảm tốc. Sau đó, xe tuần tra đã đi phía trước và hãm xe của Sikes lại cho tới khi xe dừng.
Từ những tình huống kể trên, bạn có thể thấy rằng cần phải bình tĩnh để xử lý các tình huống “xe điên” được nhanh gọn hết mức có thể. Việc luôn giữ cái đầu lạnh khá quan trọng trong các tình huống ô tô bị mất kiểm soát. Do đó, dù gặp phải tình huống như thế nào, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần phải thật sự bình tĩnh để có những giải pháp tốt nhất có thể, đừng quá hoảng loạn sẽ khiến tình huống trở nên tệ hơn.
Minh Tân