Kinh nghiệm sử dụng bảo hiểm thân vỏ ô tô “hời” nhất
1. Bảo hiểm thân vỏ là gì?
Bảo hiểm thân vỏ ô tô là loại bảo hiểm dành cho các bộ phận ngoại thất của xe như kính xe, đèn xe hay vỏ xe. Nếu xe gặp các tai nạn ngoài ý muốn của chủ xe, gây thiệt hại về vật chất thì bảo hiểm sẽ chi trả tiền sửa chữa tùy theo mức độ nghiêm trọng. Loại bảo hiểm này được tính là tự nguyện và dựa theo mức thỏa thuận của đơn vị bảo hiểm cũng như khách hàng, dĩ nhiên chúng vẫn phải tuân theo điều lệ và biểu phí của hãng bảo hiểm.
2. Bảo hiểm thân vỏ xe có tác dụng gì?
Bảo hiểm thân vỏ ô tô giúp bạn nhận được bồi thường trong các trường hợp bất ngờ
Nhiều người cho rằng, việc bảo hiểm thân vỏ xe không có ý nghĩa gì nếu như họ đi cẩn thận, tuy nhiên trong cuộc sống chúng ta khó tránh khỏi các tình huống bất ngờ như va quệt hay bất ngờ bị xe khác đâm vào. Đây là thời điểm mà chúng ta bắt đầu cần đến bảo hiểm thân vỏ. Cụ thể, bảo hiểm thân vỏ ô tô đem đến những lợi ích chính là giúp người dùng thanh toán chi phí sửa chữa, thay mới các chi tiết thân vỏ bị hỏng hóc trong trường hợp va chạm bất kì, hoặc trả tiền cho chủ xe để tự thay thế hay khắc phục chiếc xe. Dĩ nhiên, chi phí sửa chữa sẽ đi theo báo giá của gara/xưởng sửa chữa hoặc chuyên gia thẩm định của hãng bảo hiểm. Tùy vào mức hộ hỏng hóc và “tan tác” của các bộ phận thân vỏ của chiếc xe mà công ty bảo hiểm sẽ định ra mức bồi thường, có thể là bồi thường một số bộ phận hoặc bồi thường toàn bộ.
Thông thường mỗi công ty bảo hiểm sẽ có cách tính khác nhau nhưng thông thường khách hàng sẽ được bồi thường trên phần trăm nhân với giá trị xuất hóa đơn xe. Mức phí sẽ rơi vào khoảng 1.4% – 2.0% giá trị xe, phụ thuộc vào điều khoản giá trị bồi thường.
3. Những lưu ý khi làm bảo hiểm thân vỏ cho ô tô
Có thể lách luật để nhận bảo hiểm
Trên nhiều diễn đàn ô tô tại Việt Nam, có nhiều khách hàng đặt câu hỏi rằng, nếu xe của họ bị hỏng thân vỏ rồi mới mua bảo hiểm thì liệu bảo hiểm có chi trả tiền cho họ nếu họ muốn thay thế thân vỏ hay không. Thực tế, bảo hiểm thân vỏ ô tô là dạng bảo hiểm dạng bồi thường thiệt hại vật chất, tức là nó không có tác dụng trong trường hợp khách hàng muốn tu sửa thân vỏ, đặc biệt là rất khó bởi khi bạn làm bảo hiểm, sẽ có nhân viên thẩm định của công ty bảo hiểm đến xem xét hiện trạng xe rồi mới tiến hành làm bảo hiểm.
Tuy nhiên, cũng không phải là không có cách lách luật. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể lách luật khi nhân viên thẩm định và làm bảo hiểm cũng thông đồng với bạn. Hoặc trong trường hợp nhân viên làm bảo hiểm không có mặt để thẩm định xe mà chỉ yêu cầu gửi ảnh, thì bạn có thể giấu nhẹm một số điểm xấu của chiếc xe bằng việc chỉnh sửa tấm ảnh, có điều bạn cũng phải đảm bảo rằng bạn có đủ trình độ để photoshop không bị phát hiện. Tuy nhiên, Oto.com.vn không khuyến cáo bạn đi theo phương pháp này bởi nếu bị phát hiện “ăn gian” trong lúc tiến hành rà soát hồ sơ, bạn sẽ chết chắc.
Nếu bạn không biết làm thủ tục, hãy nhờ gara
Gara và bảo hiểm ô tô thường có mối quan hệ rất mật thiết
Có rất nhiều khách hàng bận rộn nhưng muốn mua bảo hiểm thân vỏ xe, đặc biệt là khách hàng nữ. Họ băn khoăn làm thế nào để tiết kiệm thời gian mà vẫn làm xong thủ tục bảo hiểm. Đơn giản thôi, bạn chỉ cần lái chiếc xe của mình đến gara ô tô mà bạn quen, sau đó nhờ gara gọi bảo hiểm đến. Thông thường, mỗi gara đều liên kết với 1 hãng bảo hiểm nhất định, họ sẽ rất vui lòng nếu bạn lựa chọn gara của họ để giao dịch với bảo hiểm (bởi việc giới thiệu khách hàng cho bảo hiểm sẽ giúp gara ăn được hoa hồng hoặc một số lợi ích nhất định). Lúc này, việc của bạn là đợi để gara và bảo hiểm làm việc với nhau, xong việc là đánh xe đi về, vừa tiết kiệm thời gian vừa đỡ tốn công sức.
Bạn phải là người quyết định gara bảo hiểm
Một điều quan trọng trong việc chọn công ty bảo hiểm là bạn nên tìm các công ty có quan hệ với các gara uy tín hay có địa điểm tiện đi lại. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến mức độ ăn ý hay thân thiết giữa gara và đơn vị bảo hiểm để tránh các thủ tục mất thời gian. Một điều nữa là bạn cần cân nhắc dịch vụ cứu hộ 24/24 của hãng bảo hiểm, cần thiết thì có thể xem trước review về đội ngũ nhân viên giải quyết bồi thường của hãng có thực sự “có tâm”, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp không.
Ở Việt Nam, rất nhiều hãng bảo hiểm liên kết với một số gara sửa chữa lớn nên khi kí hợp đồng họ thường giới thiệu cho bạn vào những gara đó. Tuy nhiên, nếu cảm thấy gara mà hãng bảo hiểm đưa ra không phù hợp, không đáng tin thì tốt nhất bạn nên từ chối. Hãy chắc chắn rằng bạn phải chọn được gara mà mình mong muốn được sửa chữa để tránh các trường hợp bị đánh giá sai thiệt hại (do gara và công ty bảo hiểm liên kết) hay tráo đổi đồ kém chất lượng.
Không phải lúc nào bạn cũng được nhận bảo hiểm
Trong cuộc sống, va chạm là trường hợp thường phải gọi đến bảo hiểm nhất, lúc này ngoài bảo hiểm ra thì vụ tai nạn có thêm 1 người nữa. Vậy nên chủ xe sẽ phải bảo lưu quyền khiếu nại và gửi yêu cầu tới bên thứ 3 có lỗi để được bồi thường. Nói cách khác, vì người ta đâm bạn, nên bạn chỉ đòi được tiền của bảo hiểm một ít và số còn lại phải đòi bồi thường từ người đã đâm bạn. Vậy nên, nếu bạn có ý định bỏ qua cho người đâm mình vì một vài lí do (như đang vội vã, không tiện giải quyết bồi thường ngay) thì tốt nhất bạn nên suy nghĩ lại, vì nếu bạn không đòi được bồi thường từ người đó thì bạn cũng sẽ không đòi được bồi thường trọn vẹn với bảo hiểm.
Thật thà với bảo hiểm đôi khi cũng không tốt
Sẽ là không khôn ngoan nếu như bạn quá thành thật với bảo hiểm
Trên một số trang web về xe hơi, nhiều người đặt câu hỏi rằng, khi xảy ra tai nạn với xe khác, bảo hiểm thường không bồi thường 100% chi phí sửa chữa cho họ mà thường chỉ rơi vào 50-70%. Nguyên nhân là do đâu?
Câu trả lời chính là do bạn đã quá thành thực với bảo hiểm. Ý nghĩa của bảo hiểm chính là bồi thường và bù đắp cho cái sai của chủ xe. Nói cách khác, nếu như người khác đâm bạn, bảo hiểm sẽ mặc định rằng đó không phải lỗi của bạn, bảo hiểm sẽ không trả tiền. Nhưng nếu bạn khai báo với bảo hiểm rằng bạn vô tình lùi xe trúng tường, thì đó 100% là lỗi của bạn, bảo hiểm sẽ chi trả 100% chi phí sửa chữa cho bạn. Chế tài của bảo hiểm chính là vậy, vì bản chất của bảo hiểm là bù đắp cho rủi ro.
Trường hợp khi 2 xe đâm nhau là trường hợp bị từ chối bảo hiểm khá phổ biến. Bảo hiểm đảm bảo tài chính không phải lúc nào cũng có tác dụng đối với mọi trường hợp. Nhiều khách hàng cho rằng dù có đâm xe chỉ cần gọi bảo hiểm đền là xong nhưng thực tế nếu bạn đã thỏa thuận với người đã đâm mình thì bảo hiểm sẽ tự hiểu rằng họ không có nghĩa vụ bồi thường nữa. Cách tốt nhất là khi xảy ra tai nạn thì nên gọi điện hỏi bảo hiểm để được hướng dẫn trước, trường hợp công an đến giải quyết thì bạn nên chụp lại giấy tờ xe, hiện trường và cầm số điện thoại của chủ xe để gọi bảo hiểm. Một số dòng bảo hiểm sẽ ưu tiên bồi thường cho khách hàng trước, sau đó mới tiến hành lấy ủy quyền của khách hàng để nhận đền bù từ bên thứ 3.