Đối với những tài xế dù là tài mới hay lâu năm thì việc lái xe trong các thành phố đông đúc như Hà Nội vẫn là nỗi khiếp sợ. Bởi lẽ các đô thị lớn đều gặp chung cảnh ùn tắc giao thông, những ninja Lead và những con đường chằng chịt luôn luôn có công an thủ sẵn để tóm gáy bạn. Để giảm nhẹ những vấn đề đau đầu đó, Oto.com.vn xin tặng bạn một số lời khuyên để di chuyển an toàn nhất ở Hà Nội. Cần chú ý rằng, mọi thứ chỉ là trên lí thuyết, việc áp dụng được nó hay không phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và thời gian làm quen đô thị của bạn trong thực tế.
1. Đặc sản của giao thông Hà Nội
Hà Nội là thành phố có mật độ giao thông kinh khủng nhất tại nước ta
Hà Nội cũng như Tp.HCM là thành phố có mật độ dân cư cực kì dày đặc và không phải là một khu vực dễ đi đối với tài xế ô tô. Trong đó, Hà Nội lại tập trung nhiều điểm đáng chú ý hơn mà bạn nên quan tâm như sau:
– Không thể xin xỏ: Hà Nội luôn có công an đứng đợi bạn ở các ngã tư, các điểm dừng đèn xanh đèn đỏ và hãy nhớ rằng, công an Hà Nội rất “gắt”. Một khi bạn đã phạm luật thì phần trăm bạn có thể xin xỏ giảm án là rất ít, vậy nên hãy cẩn trọng khi đi qua các điểm giao nhau đông đúc. Nếu được, hãy hỏi kĩ người dân về các tuyến phố có nhiều công an để tránh đi vào.
– Không thể đỗ xe: Hà Nội là một thành phố gần như không có nhiều điểm để đỗ xe. Đừng bảo giờ đỗ xe bừa bãi nếu như bạn không biết nơi đó có thực sự được đỗ hay không.
Hà Nội không phải là một thành phố có thể đỗ xe bậy bạ
– Phố xá chằng chịt: Những con đường một chiều và những khu vực giao nhau chằng chịt gần như là nỗi ác mộng của các tài xế tại Hà Nội. Đặc biệt là những đoạn đường trên Phố Cổ hay khu vực gần lăng Bác hoàn toàn không phải là nơi mà các tài mới nên đến.
– Tắc đường: Cũng giống như các đô thị lớn như Tp.HCM, tắc đường ở Hà Nội là chuyện thường như cơm bữa. Nếu bạn ra đường vào những giờ cao điểm như tan tầm hay khoảng 7-9h sáng, khi mọi người đổ ra đường tới cơ quan thì kết cục chôn chân giữa dòng người là chuyện khó tránh khỏi.
– Dân cư rất “gắt”: Không giống như Sài Gòn, người Hà Nội không dễ nói chuyện, một phần bởi ai cũng vội vàng và sự tắc nghẽn của giao thông khiến cho tâm trạng của người trong thành phố này khó mà tốt lên được. Khi xảy ra va chạm, chưa chắc bạn đã giải quyết định vấn đề bồi thường một cách êm đẹp. vì vậy hay cố gắng sao cho chuyến đi “thuận buồm xuôi gió” nhất có thể và tránh dây dưa không cần thiết.
– Nhiều Ninja Lead: Có một sự thật là ở Hà Nội ô tô thường phải nhường xe máy. Đơn giản là vì theo quan niệm ô tô là phương tiện cỡ lớn, nếu ô tô xe máy đâm nhau thì ô tô chắc chắn sẽ bị quy nhiều trách nhiệm hơn. Chính bởi tâm lí này mà xe máy ở Hà Nội đi cực kì chèn ép ô tô, với đủ trò như lấn làn, vượt ẩu hay thậm chí là “cả gan” tạt đầu ô tô. Ở đâu cũng có những người cầm lái vô ý thức, nhưng ở Hà Nội thì đặc biệt nhiều. Vậy nên cái khó nhất ở Hà Nội chính là làm sao tham gia giao thông an toàn trước những thành phần như vậy.
2. Kinh nghiệm lái xe ở Hà Nội
Như vậy, để vượt qua các vấn đề như trên, một tài xế mới đi ở Hà Nội nên chú ý những điều gì:
Học kĩ luật
Học kĩ Luật trước khi tham gia giao thông sẽ giúp bạn tránh mất tiền oan
Để có một chuyến đi an toàn ở Hà Nội, bạn phải chắc rằng bạn đã thuộc thật kĩ Luật Giao Thông đường bộ. Việc học kĩ luật giúp bạn nhận diện biển báo tốt hơn, tránh khả năng vi phạm luật giao thông hơn. Hoặc nếu có va chạm, nếu rõ luật bạn có thể chắc chắn rằng mình không bị công an “chặt chém” giá cả nộp phạt.
Không cua hẹp
Khi vào cua ở góc phố hoặc quay đầu ở Hà Nội, bạn nên chắc chắn rằng mình phải quan sát gương, đồng thời mở 1 góc cua ít nhất bằng chiều ngang của xe để phòng ngừa việc đang cua thì có xe máy chen từ góc cua lên, đâm phải mình. Hãy nhớ rằng, xe máy ở Hà Nội tuyệt đối không nhường ô tô, thậm chí lấn làn ô tô và gần như các lái xe ô tô phải học cách quen với điều đó, vậy nên tốt nhất là hãy nghĩ cách tránh va chạm với xe máy và đi an toàn nhất có thể.
Có camera hành trình
Việc va chạm xe ở Hà Nội gần như là chuyện “thường như ở huyện”, vậy nên để giải quyết tranh chấp nhanh nhất thì tốt nhất bạn nên có camera hành trình. Với loại thiết bị giám sát này, bạn có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bị bắt sai hoặc bị đuối lí khi đối phương ăn vạ.
Không nghe nhạc to + gọi điện thoại
Khi đi trong nội đô, bạn không nên 1 tay cầm điện thoại, 1 tay lái vô văng vì như thế bạn sẽ bị phân tâm cực kì nhiều, rất dễ gặp tai nạn. Hãy chuẩn bị tai nghe bluetooth để trả lời điện thoại. Ngoài ra, nếu như bạn muốn nghe nhạc thì cũng không nên vặn loa quá to, nó sẽ khiến bạn khó lắng nghe được âm thanh hay đơn giản là tiếng còi báo hiệu của xe khác xin đường.
Đi chậm và thật chậm
Hà Nội không vội được đâu nhé các tài mới!
Một khi đã đến Hà Nội, bạn phải chuẩn bị tinh thần là không thể đi nhanh được. Nếu muốn đi nhanh, hãy đi xe máy. Vì vấn đề kích thước lớn, ô tô cực kì khó luồn lách, đặc biệt ở trong giờ cao điểm. Vậy nên hãy chắc chắn rằng mình đi đúng tốc độ, đi đúng làn và đặt sự an toàn lên đầu tiên. Đặc biệt, hãy lơ đi những tiếng còi khó chịu từ những người yêu cầu bạn nhích lên khi chờ đèn đỏ và đi chậm để quan sát đèn cũng như biển báo giao thông nếu không muốn có anh cảnh sát nào tuýp còi. Ngoài ra, việc đi chậm cũng giúp các tài xế có thể phản ứng kịp nếu như có Ninja Lead nào muốn tạt đầu hay đổi làn đột ngột.
Xem kĩ bản đồ trước khi đi
Nếu bạn ít khi lái xe ở Hà Nội thì bạn nên xem kĩ bản đồ trước khi đi. Bởi vì hãy nhớ rằng, một khi bạn đã lạc đường thì bạn sẽ không dễ dàng để dừng lại hỏi đường như xe máy. Ngoài ra, việc xem trước bản đồ giúp bạn hạn chế được tối đa số tuyến đường 1 chiều hay đường hẹp mà bạn sẽ đi qua. Đừng nên chọn đường gần nhất, hãy đi vào được dễ đi nhất và dĩ nhiên là tránh giờ cao điểm.
Nghe VOV giao thông
Hiện nay, ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM luôn có sẵn các kênh radio như VOV giao thông ở tần số 91 Mhz mà gần như xe ô tô nào cũng có thể thu được. Ở các giờ cao điểm, VOV giao thông thường cập nhật những tuyến phố đang bị ùn tắc hay những con đường không nên đi một cách trực tiếp. Nếu chăm chỉ nghe VOV giao thông, bạn có thể thay đổi cung đường cho phù hợp tránh được những điểm tắc trong thành phố và đến điểm đích an toàn.