Lái xe ban đêm yêu cầu sự tập trung cao độ của tài xế do có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Đặc biệt nếu phải lái xe qua những cung đường tối không có đèn đường, tầm nhìn và khả năng quan sát của các bác tài sẽ bị hạn chế đi rất nhiều. Chính vì thế, việc điều khiển phương tiện càng trở nên khó nhằn và tài xế phải thật sự tập trung để giữ vững vô lăng.
Dưới đây là một số kinh nghiệm lái xe an toàn vào ban đêm khi không có đèn đường mà các chuyên gia của Oto.com.vn chia sẻ để các bác tài có thể tham khảo và áp dụng, nhằm đảm bảo có được hành trình thật sự suôn sẻ, thuận lợi.
Tài xế cần tập trung cao độ khi lái xe ban đêm không có đèn đường
Tập trung giữ vững tay lái
Lái xe ban đêm rất dễ buồn ngủ, nhưng tuyệt đối không nên điều khiển phương tiện lúc đầu óc không được tỉnh táo. Có thể đường về đêm rất vắng, thưa người và phương tiện qua lại, tuy nhiên bạn không thể lường trước được những tình huống có thể phát sinh 1 cách bất ngờ. Chưa kể đến phải lái xe trong điều kiện không có đèn đường, không đủ ánh sáng hỗ trợ cho tầm nhìn, nếu không tập trung tài xế sẽ không kịp thời xử lý mọi việc và sẽ gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Giữ tinh thần ổn định
Nếu phải lái xe đi qua những con đường tối tăm, tài xế cố gắng giữ vững tinh thần, bình tĩnh để điều khiển phương tiện. Hoang mang hay lo lắng sẽ không giải quyết được vấn đề, nó chỉ khiến cho bác tài cảm thấy sợ hãi hơn và sẽ ảnh hưởng đến tay lái.
Một cách để ổn định lại tinh thần là có thể bật 1 bản nhạc yêu thích với âm lượng nhỏ vừa đủ để có thể giải tỏa căng thẳng, sau đó tắt đi và tập trung vào việc lái xe.
Chấp hành đúng Luật Giao thông
Dù là lái xe đêm qua những đoạn không có đèn đường hay biển báo, nhưng tài xế vẫn cần phải giữ ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông để đảm bảo an toàn. Đừng chủ quan phóng nhanh vượt ẩu hay đi sai làn, nó sẽ khiến cho các bác tài phải hối hận nếu không may xảy ra những tình huống bất ngờ.
Tập quan sát bao quát
Vì không có đèn đường, chính vì vậy các bác tài cần phải tập thói quen quan sát ở phạm vi rộng để có thể bao quát tình hình. Đồng thời, nên chú ý lắng nghe các tiếng động xung quanh để kịp thời xử lý tình huống.
Sử dụng đèn chiếu hợp lý khi lái xe vào ban đêm không có đèn đường
Sử dụng đèn chiếu hợp lý
Kinh nghiệm lái xe của các tài xế lâu năm là khi điều khiển phương tiện vào ban đêm, bác tài nên sử dụng hệ thống đèn hợp lý để đảm bảo tầm nhìn tốt nhất. Theo đó, tài xế nên bật đèn chiếu ở chế độ gần, bởi nếu bật đèn pha chiếu xa sẽ dễ bị lóa mắt, khó quan sát. Chưa kể đến nếu bật đèn pha chiếu xa, những xe đi ngược chiều cũng bị chói và dễ gây ra tai nạn.
Nếu như gặp thời tiết quá nhiều sương mù, tài xế nên bật đèn sương mù và hơi hạ cửa sổ xe xuống 1 chút để có thể nghe ngóng và quan sát đường tốt hơn, đồng thời nhớ khởi động cần gạt nước.
Ngoài ra, khi có ý định cua rẽ hay dừng xe, tài xế nên bật đèn báo đủ lâu để các xe đi phía sau hay xung quanh có thể nhận diện được.
Thêm 1 lưu ý, khi lái xe ô tô ban đêm, bác tài không nên nhìn trực tiếp vào đèn pha của xe đi ngược chiều để tránh tình trạng bị chói và hoa mắt.
Kiểm soát tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước khi lái xe vào ban đêm
Kiểm soát tốc độ
Khi lái xe vào ban đêm không có đèn đường, tài xế nên nhớ kiểm soát tốc độ hợp lý, không đi quá nhanh cũng như quá chậm. Lưu ý giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước để có thể kịp thời xử lý tình huống phát sinh.
Hạn chế việc dừng hay đỗ xe bên đường vắng
Trong điều kiện trời tối không có đèn đường và vắng người qua lại, tốt nhất nếu không có việc gì quá cấp bách thì tài xế hạn chế dừng hay đỗ xe bên đường. Nếu trời mưa to, tài xế không nên đỗ dưới gốc cây mà nên chọn chỗ thoáng, và nhớ bật đèn báo để các xe di chuyển phía sau nhận biết.
Ngoài những chú ý trên, Oto.com.vn cũng chia sẻ với các bác tài về kinh nghiệm lái xe ban đêm khi đi qua đường sắt không có gác chắn và không có đèn đường. Bởi tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều tuyến đường giao nhau với đường sắt không được trang bị gác chắn và đèn đường. Chính vì vậy, khi đi qua những tuyến đường này, các bác tài phải thật sự cẩn thận và xử lý nhanh nhẹn các tình huống để đảm bảo an toàn.
Thông thường khi di chuyển qua đoạn đường giao nhau với đường sắt, tài xế nên dừng xe cách đường ray khoảng 5m và ra tín hiệu bằng cách bật đèn. Cẩn trọng hơn, bác tài có thể xuống xe và áp tai xuống đường để nghe âm thanh, từ đó có thể phán đoán được tương đối về việc sắp có đoàn tàu hỏa đi qua hay không. Nếu không nghe thấy âm thanh của tàu chạy thì có thể điều khiển cho xe đi qua.
Trong trường hợp không may xe bị kẹt ngay giữa đường ray, hãy bình tĩnh liên hệ với nhân viên đường sắt (nếu có), đồng thời gọi ngay cho đội cứu hộ hoặc cơ quan công an gần nhất. Tiếp tục áp dụng phương pháp áp tai lắng nghe tiếng đoàn tàu chạy tới để phán đoán tình hình và nhanh chóng rời ngay khỏi xe và hiện trường nếu như tàu sắp tới để bảo toàn tính mạng.