Rất nhiều người đã bực tức vì bị CSGT tuýt còi nhưng không thuyết phục được lỗi của người vi phạm nên không ký và ghi chú vào biên bản xử phạt.
Xét về quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Cụ thể, tại khoản 3, điều 5, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định: “CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Mục 1 Khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
“1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản.
Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.”
Như vậy, chiếu theo quy định này nếu người vi phạm không chịu ký vào biên bản thì vẫn bị xử phạt với lỗi vi phạm trước đó, và người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Hiện nay vẫn chưa có quy định về xử phạt người vi phạm không chịu ký quyết định xử phạt, nên nếu bạn vi phạm giao thông mà không ký thì chỉ bị xử phạt lỗi vi phạm đã mắc phải.
Trong trường hợp bạn không đồng ý với quyết định thì cũng có quyền khiếu nại lên trụ sở Đội, Phòng CSGT nơi lập biên bản để đưa ra bằng chứng minh không vi phạm.
Hình thức khiếu nại gồm viết đơn hoặc khiếu nại trực tiếp, đã được quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2019 và thời hiệu khiếu nại là 90 ngày. Nếu người khiếu nại có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng mình không vi phạm thì cán bộ, chiến sỹ lập biên bản phải chịu trách nhiệm và xin lỗi người vi phạm.
(Nguồn ảnh: Internet)