Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực vào 01/01/2020 với nhiều bổ sung, thay đổi so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Trong đó, theo tin tức pháp luật về ô tô, các quy định xử phạt về người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong cơ thể đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều.
Theo đó, từ 01/01/2020, người đi ô tô tham gia giao thông sử dụng rượu, bia sẽ bị phạt từ 16.000.000 đến 40.000.000 đồng và tịch thu giấy phép lái xe từ 10-24 tháng, tùy mức nồng độ cồn trong máu. Trong khi đó, người đi xe máy chuyên dùng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia sẽ bị phạt từ 3.000.000 đến 12.000.000 đồng và tịch thu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 10-24 tháng.
Bên cạnh những người dân chấp hành quy định và hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông thì vẫn có bộ phận người dân không “phục” và tìm cách “lách” luật. Cụ thể, khi bị lực lượng CSGT yêu cầu nộp phạt và xuất trình giấy phép lái xe, nhiều người đã khai báo mất hoặc không có giấy phép lái xe để không bị giữ bằng và tiếp tục điều khiển phương tiện sau khi nộp mức phạt hành chính.
Khai báo mất giấy phép lái xe để trốn phạt sẽ bị phạt nặng hơn. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia tư vấn pháp luật ô tô, việc này hẳn có lợi hơn với người vi phạm bởi ngoài lỗi xử phạt do nồng độ cồn, với nhiều lỗi vi phạm luật giao thông, người vi phạm có thể bị tước giấy phép lái xe kéo dài tới 24 tháng, tức trong khoảng thời gian này, người vi phạm không được phép lái xe tham gia giao thông.
Tuy nhiên, đứng trước tình hình này, đối với những trường hợp khai báo gian dối, lực lượng chức năng cũng sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh và làm rõ. Trong trường hợp xác minh hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật, người vi phạm sẽ chịu thêm mức phạt bổ sung nặng. Cụ thể:
Điều 33, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT về sử dụng và quản lý giấy phép lái xe quy định hành vi khai báo gian dối mất hoặc không có giấy phép lái xe để tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt như sau:
– Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe thì giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng.
Ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Bên cạnh đó, hành vi khai báo gian dối mất hoặc không có giấy phép lái xe để đăng ký sát hạch, cấp mới sẽ bị xử phạt theo khoản 3, Điều 37 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
Như vậy, với những trường hợp phát hiện khai báo gian dối về giấy phép lái xe để tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông, ngoài mức phạt hành chính, người vi phạm sẽ còn bị xử phạt theo quy định tại Khoản 14, Điều 33 thuộc Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, đồng thời áp dụng mức xử phạt theo Khoản 3, Điều 37 thuộc Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Ảnh: Internet