Dòng xe đánh dấu sự hồi sinh của thương hiệu Bugatti nhiều năm về trước: EB 110 tính đến nay đã 30 năm tuổi. Sau 5 năm kể từ khi dòng xe này được ra mắt và bán ra thị trường, thương hiệu đã tạo ra một chiếc xe đua để có thể tranh tài ở các giải đua quốc tế. Trong suốt vòng đời của EB 110, Bugatti chỉ từng chế tạo đúng hai chiếc xe đua và một trong số hai chiếc xe này chính là chiếc xe đua Bugatti EB 110 Sport Competizione.
Vào ngày 9 tháng 6 năm 1996, chiếc Bugatti EB 110 SC này đã tham gia vào một cuộc đua kéo dài 2 tiếng ở Dijon. Chiếc xe đã có một khởi đầu tuyệt vời cũng như thể hiện được sức mạnh ấn tượng của mình trong giải đua này. Tuy nhiên giải đua tại Dijon này cũng chính là sân chơi cuối cùng mà chiếc xe này tham gia trước khi “chìm vào quên lãng” trong suốt 25 năm qua. Ở vòng đua bấy giờ, chiếc xe đã được cầm lái bởi doanh nhân người Monaco kiêm tay đua Gildo Pallanca-Pastor. Ở tuổi 29, anh được biết đến là một trong những tay đua trẻ nhất và cũng đồng thời là chủ sở hữu của Đội đua Monaco với chiếc xe đua EB 110 SC. Chiếc xe này là độc nhất và luôn trở nên đặc biệt ở mọi thời điểm, kể cả lúc bấy giờ khi tham gia tranh tài tại giải đua.
Về lịch sử, thương hiệu Bugatti đã tạm thời “rơi vào quên lãng” vào năm 1963 nhưng đã được hồi sinh trở lại vào cuối những năm 1980 bởi doanh nhân người Ý Romano Artioli và cũng đồng thời là một người có tình yêu lớn với thương hiệu Bugatti từ nhỏ. Năm 1987, ông mua bản quyền thương hiệu và trở thành Chủ tịch của Bugatti Automobili S.p.A. Vào ngày 15 tháng 9 năm 1990, Artioli chính thức khai trương một nhà máy mới và tiên phong tại Campogalliano. Một năm sau, vào ngày 15 tháng 9 năm 1991 đúng dịp sinh nhật lần thứ 110 của Ettore Bugatti, Artioli đã trình làng siêu xe thể thao hiện đại nhất và tiên tiến nhất thời bấy giờ – EB 110.
Tại thời điểm ra mắt, Bugatti EB 110 gây ấn tượng với trang bị động cơ V12 dung tích 3.5 lít, xe được trang bị bốn bộ tăng áp cũng như hệ dẫn động 4 bánh. Xe cũng được thiết kế với bộ khung liền khối được làm bằng carbon trọng lượng nhẹ – Một chi tiết hiện đại tân tiến ở thời điểm 30 năm về trước. Động cơ của xe có khả năng sản sinh công suất khoảng 600 mã lực và có tốc độ tối đa lên tới 351 km/h và từng lập kỷ lục thế giới với một chiếc xe thương mại. Tuy nhiên, doanh nhân Artioli lại mong muốn Bugatti sẽ trở lại đường đua, tham gia tranh tài và lại “một lần nữa” trở thành huyền thoại. Ông từng nói: “Chúng tôi nghĩ rằng lĩnh vực đua xe là một lĩnh vực rất quan trọng đối với một thương hiệu như Bugatti.”
Ngoài hai phiên bản hiệu năng cao EB 110 GT và 110 Super Sport, Bugatti từng cho ra mắt hai mẫu xe đua với công suất 700 mã lực. Chiếc đầu tiên chính là chiếc EB 110 LM màu xanh lam từng tham gia giải đua danh giá 24 Hours of Le Mans vào năm 1994. Chiếc xe này đã “lọt” mắt xanh của doanh nhân Gildo Pallanca-Pastor và anh đã lập kỷ lục về tốc độ trên một chiếc EB 110 Super Sport. Tuy nhiên anh rất mong muốn tham gia vào các cuộc đua chính thức với EB 110 nên anh đã đặt mua một chiếc xe đua từ Bugatti vào cuối năm 1994 với mong muốn tham gia vào loạt IMSA ở Mỹ và trong các cuộc đua sức bền khác từ năm 1995. EB 110 Sport Competizione (SC) được phát triển trong khoảng thời gian 6 tháng với các hạng mục bao gồm việc giảm trọng lượng, tinh chỉnh một số chi tiết. Dự án này về nguyên gốc có dự định sản xuất 3 chiếc xe nhưng tới tháng 6 năm 1995 chỉ có duy nhất một chiếc được sản xuất do những khó khăn về mặt tài chính mà các bên gặp phải khi thực hiện dự án này.
Chiếc Bugatti EB 110 SC đã đồng hành cùng Gildo Pallanca-Pastor đã tham gia các cuộc đua IMSA và tham gia vào BPR Global GT Series – Các giải đua quốc tế được thiết kế cho các siêu xe thể thao sản xuất hàng đầu. EB 110 SC là một chiếc xe đua có hiệu năng ấn tượng cũng như vận hành trơn tru, tuy nhiên phụ tùng thay thế ngày một hiếm khi Bugatti lại một lần nữa “héo tàn”. Từ đó, nhu cầu của khách hàng đối với Bugatti giảm, các khoản nợ tài chính tăng lên và các nhà cung cấp giữ lại các bộ phận của xe, từ chối cung cấp cho Bugatti. Khi Bugatti bắt đầu gặp vấn đề với các nhà cung cấp của mình và Artioli không còn khả năng thanh toán cho các nhà cung cấp, nhà máy sản xuất đã bị đóng cửa vào ngày 15 tháng 9 năm 1995, và chiếc xe đua chờ được bảo dưỡng ở nhà máy Bugatti đã tạm thời bị tịch thu.
Ngay sau đó, Gildo Pallanca-Pastor đã nhanh chóng lấy được chiếc xe ra và thi đấu tại Daytona vào tháng 1 năm 1996. Anh đã bắt đầu chuẩn bị cho giải đua 24 Hours of Le Mans. Anh đã tham gia các cuộc đua ở Dijon, Pháp, vào ngày 8 và 9 tháng 6. Chiếc xe đua đã cán đích ở vị trí thứ 4 trong các cuộc chạy thử và ở cuộc đua đầu tiên, Pallanca-Pastor đã về đích ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên đến vòng đua thứ hai, chiếc xe đã va chạm với một chiếc xe đua khác và bị hư hỏng không thể về đích. Chiếc xe cũng đồng thời đang ở trong tình trạng thiếu phụ tùng tay thế, chính vì thế mà chiếc xe không thể sửa được và đã lỡ hẹn với giải đua 24 Hours of Le Mans một cách đầy tiếc nuối.
Đây cũng chính là lần cuối chiếc xe này tham gia một giải đua. Sau một vài năm, Gildo Pallanca-Pastor đã bán EB 110 SC cho một nhà sưu tập Bugatti và nhà sưu tập này vẫn lưu giữ chiếc xe này trong bộ sưu tập của mình trong suốt thời gian qua. Cho dù có một vòng đời ngắn ngủi trong lĩnh vực đua xe, chiếc xe vẫn là một mẫu xe đua ấn tượng từ thương hiệu xe hơi Pháp. Vừa qua, sau 25 năm được ra mắt, chiếc xe đã có cơ hội được trở lại nơi tranh tài cuối cùng – Trường đua Dijon Prenois một lần nữa.
Tham khảo: Bugatti