Giữ khoảng cách an toàn với các xe khác giúp ô tô hạn chế thấp nhất các va chạm đột ngột. Nhưng làm sao để tính toán chính xác khoảng cách để tránh va chạm?
Khoảng cách an toàn khi lái xe
Khi tham gia giao thông, không ít trường hợp xe phía trước đột ngột dừng lại. Khoảng cách an toàn là khoảng cách giúp bạn có đủ thời gian xử lý đạp phanh, dừng xe lại mà không va chạm với xe phía trước. Ngoài ra, khoảng cách an toàn còn là khoảng cách khi chuyển làn mà không xảy ra va chạm với xe ô tô chạy song song.
Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn
Khoảng cách an toàn khi lái xe được tính theo tốc độ mà xe đang di chuyển. Trong điều kiện bình thường, xe di chuyển ở tốc độ 40 km/h, khoảng cách an toàn giữa xe trước và xe sau sẽ là 33,8 m; đối với tốc độ 80 km/h, khoảng cách an toàn là 66,7 m; tốc độ 100 km/h, khoảng cách an toàn là 83,4 m; tốc độ 120 km/h, khoảng cách an toàn lên tới 100,1 m. Trường hợp điều kiện thời tiết xấu, đường không bằng phẳng, nhiều chướng ngại vật, khoảng cách an toàn sẽ tăng lên.
Không giữ khoảng cách an toàn rất dễ xảy ra tai nạn
Khi di chuyển trên đường, rất nhiều tình huống bất ngờ như xe phía trước đột ngột phanh lại vì tai nạn hoặc tránh chướng ngại vật, giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp bạn tránh được việc đâm vào xe phía trước. Khoảng cách an toàn giúp cho bạn có đủ thời gian đạp phanh, dừng xe lại hoặc chuyển làn ô tô an toàn mà không xảy ra va chạm với xe phía trước.
Mẹo giữ khoảng cách an toàn để tránh va chạm
Mẹo được ưa chuộng nhất để giữ khoảng cách an toàn, tránh va chạm đó là sử dụng qui tắc 3 giây. 3 giây chính là khoảng thời gian cần thiết để người điều khiển phương tiện dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dù là phanh gấp. Con số 3 giây này là kết quả của quá trình nghiên cứu dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn mà không xảy ra va chạm với xe phía trước hoặc xe xung quanh.
Khi di chuyển trên đường cao tốc cũng cần chú ý khoảng cách với xe phía trước
Để tính khoảng cách an toàn theo qui tắc 3 giây, lái xe có thể tham khảo ví dụ sau: một phương tiện di chuyển với tốc độ 40 km/h, như vậy mỗi giây trôi qua, phương tiện đó đi được 11 m. Theo kinh nghiệm lái ô tô, trong vòng 3 giây, phương tiện này có thể đi được 33 m, vậy khoảng cách an toàn theo qui tắc 3 giây sẽ là 33 m. Phương tiện này phải cách phương tiện đi trước nó 33 m.
Tính theo công thức tương tự sẽ ra khoảng cách an toàn của xe. Sau đó, người lái xe có thể thử ước lượng số thời gian đi từ xe mình đến xe phía trước có hết 3 giây hay không. Trong tình huống thời tiết không tốt, điều kiện đường xấu, người lái xe có thể nhân đôi khoảng cách tính theo công thức để đảm bảo an toàn.
Quy tắc 3 giây được nhiều lái xe sử dụng để tính khoảng cách an toàn
Hiện nay, biển báo nhắc nhở, miêu tả khoảng cách an toàn giữa hai xe được dựng ở nhiều vị trí trên đường cao tốc và quốc lộ để lái xe làm căn cứ để duy trì khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, những biển báo ấy có thể không được người điều khiển xe nhìn thấy, do đó chủ động ước lượng khoảng cách an toàn khi lái xe là một điều cần thiết. Công thức tính khoảng cách trên sẽ giúp lái xe dễ dàng hơn trong việc tính toán, không còn phải lo lắng về việc đi quá khoảng cách an toàn.
Bên cạnh đó người lái xe có thể sử dụng mẹo như sau: quan sát xe phía trước chạy qua một vật nào đó ở bên đường, ví dụ cột đèn, cây hoặc biển báo. Lấy đó làm điểm mốc, khi xe trước chạy qua vật đó thì người điều khiển phương tiện có thể bắt đầu đếm giây. Nếu phương tiện chạy ngang qua vật mốc khi người điều khiển phương tiện chư kịp đếm đến 3 một cách từ từ, nghĩa là phương tiện đó đang nối đuôi phương tiện phía trước quá sát, không đủ khoảng cách an toàn. Nghe có vẻ phức tạp nhưng nếu thực hiện nhiều, lái xe sẽ quen và có thể tự ước lượng khoảng cách mà không cần đo. Ngoài quy tắc 3 giây còn có quy tắc 2 giây và 4 giây cũng rất hữu ích.
Không giữ khoảng cách an toàn có bị phạt không?
Câu trả lời là có. Nhiều lái xe vẫn chủ quan cho rằng việc không giữ khoảng cách với xe trước không phải hành vi vi phạm qui định pháp luật. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, lỗi không giữ khoảng khách với xe phía trước sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:
Nếu phương tiện vi phạm là xe ô tô, xử phạt hành chính từ 100.000 đồng – 200.000 đồng. Nếu xe đang di chuyển trên đường cao tốc thì mức phạt lên đến 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Đối với phương tiện vi phạm là xe máy, xe đạp điện, mức phạt hành chính là 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Trường hợp di chuyển trên cao tốc hoặc quốc lộ sẽ bị phạt 400.000 đồng đến 600.000 ngàn đồng.
Như vậy, không giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước không chỉ nguy hiểm, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông mà còn khiến người điều khiển phương tiện bị xử phạt. Lái xe nên chú ý để tránh vi phạm lỗi này.
Thành An