Đây là một ví dụ thực tiễn hay sang mồm hơn thì là case study cực hay, mà một mem của OF gặp phải hồi năm ngoái. Một vụ tai nạn chết người. Lái xe máy say rượu, đi sai, đâm vào xe ôtô đang đi đúng luật.
OFer thân yêu đang trong hành trình từ thiện này gọi bên bán bảo hiểm Trách nhiệm dân sự (TNDS) cho mình. Nhân viên bảo “Cái này do bên kia đi sai mà, nên bảo hiểm TNDS của bên kia phải đền“. Liên hệ bảo hiểm TNDS của người bị nạn, bên đó lại bảo “Khách của tôi say rượu, đi sai luật, nên thuộc trường hợp loại trừ”.
Sự cố xảy ra khi Ofer đang tham gia đoàn thiện nguyện
Vậy phải làm thế nào bây giờ?
Theo quy định mới (Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự), áp dụng từ 1/3/2021, ông xấu số kia nằm trong trường hợp loại trừ bảo hiểm. Tức là công ty bảo hiểm bán cho ông xe máy sẽ không đền gì, do lỗi của người được bảo hiểm.
Nếu vào trường hợp này thì quả thật khó xử vô cùng. Công ty X bán bảo hiểm TNDS cho người bị gây tai nạn, ở đây là OFer lái ô tô, sẽ không bồi thường vì khách hàng không có lỗi. Công ty Y bán bảo hiểm TNDS cho người gây tai nạn, tài xế xe máy, cũng sẽ không bồi thường, vì ông này có lỗi.
Nhưng vụ việc lại xảy ra khi chưa có cái nghị định số 03. Trong chuyện này, vì vậy, có hai thứ đáng mổ xẻ. Đầu tiên, thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, mặc kệ của nhân viên/công ty bán bảo hiểm TNDS cho cả hai bên. Tiếp đó, sự dốt nát hoặc khốn nạn của nhân viên/công ty bán bảo hiểm TNDS cho cả hai bên.
Cái đầu tiên, mọi người tự bàn. Tôi chỉ nói cái thứ hai. Trước khi đọc tiếp, mời các bác lấy cái giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của mình ra. Ở trên đó chữ đen nền vàng rõ ràng: Chủ xe, lái xe cần đọc kỹ Thông tư 22/2016 TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm.
Để mọi người khỏi mất công Google tra cứu, tôi dẫn luôn. Theo thông tư này, trường hợp LÁI XE SAY RƯỢU GÂY TAI NẠN KHÔNG PHẢI TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ BẢO HIỂM. Vì lái xe máy sai, nên phải có trách nhiệm đền hỏng hóc ôtô cho OFer. Nhưng ông ấy chết rồi? Chết thì chết, người thừa kế đứng ra mà đền.
Tất nhiên, ở đây là tôi kể theo luật thôi, chứ OFer nhà ta không những không được đồng nào mà còn phải nhọc công nhọc sức vừa lo rút xe đang bị công an giam, lại vừa lo tiền hỗ trợ nhà xấu số.
Vì ông xe máy sai, nên bảo hiểm của ông xe máy phải có nghĩa vụ đứng ra gồng gánh trách nhiệm đền ô tô cùng với người mua (bồi thường thiệt hại về xe cộ cho bên thứ ba lên tối đa 50 triệu). Nhưng tụi này quỵt luôn.
Ông xe máy không chỉ sai, mà còn chết, nên bảo hiểm TNDS của OFer nhà mình cũng lại có dịp phát huy vai trò. Ta đã biết lái xe máy có lỗi, nên lẽ ra bảo hiểm TNDS của bên OFer sẽ không phải đền. Nhưng Thông tư đã nhắc có nêu rành rẽ rằng KHI LỖI HOÀN TOÀN CỦA BÊN THỨ BA, VẪN ĐƯỢC ĐỀN NHƯ THƯỜNG, dù bên thứ ba này sứt đầu mẻ trán gãy chân, gãy tay hay là toi. Mức bồi thường bằng 50% so với khi bên mua bảo hiểm gây lỗi.
Quả thật, không thể không than rằng, luật gì nhân văn hết sức. Ấy thế mà cái công ty bảo hiểm nó lờ tịt. Nó dốt? Có thể lắm. Nó muốn bùng? Rất có khả năng.
Nhưng nó còn khốn nạn nữa. Ấy là bởi nó không tư vấn cho người mua rằng khi có tai nạn, người tử vong vẫn sẽ nhận được một khoản tiền nhiều triệu, ngay cả khi người gây tai nạn không mua bảo hiểm TNDS. Tại sao lại hay thế? Tôi xin phép nói ở phần sau.
Giờ thì tôi xin hỏi mọi người, chúng ta có chịu đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng không?