Hơn 80% vụ tai nạn xe ô tô xảy ra trên đường đèo dốc đều có nguyên nhân bắt nguồn từ những sai lầm này.
Lái xe leo đèo, đổ đèo cần nhiều kỹ năng hơn so với việc lái xe trên đường cao tốc. Nhiều khi phạm một sai lầm nhỏ cũng khiến bạn phải đánh đổi cả tính mạng của mình.
Vượt sai, vượt ẩu
Vượt xe khác khi đang leo hoặc đổ đèo cực kỳ nguy hiểm, và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các tai nạn thương tâm. Bởi chỉ một chút lơ là, một chút tính toán sai là bạn có thể đánh đổi cả tính mạng mình. Đừng vì nhanh một phút mà chậm cả đời, hãy nhớ ở trước vô lăng là tính mạng của mình, sau vô lăng là gia đình, người thân và bạn bè. Có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đèo vì người lái vượt xe khác. Điển hình là vụ chạy vượt trên đèo Bảo Lộc của tài xế hãng xe khách Thành Bưởi. Xe khách này lấn làn, vượt các xe khác đi cùng chiều suýt gây ra tai nạn liên hoàn trên đèo.
Do đó, một nguyên tắc quan trọng là nên hạn chế vượt khi leo đèo và cả đổ đèo. Trong trường hợp vượt, bạn nên quan sát kỹ xe ở làn ngược lại, tính toán khoảng cách chính xác nhất có thể. Khi vượt nên quyết đoán, vượt nhanh, không chần chừ, lưỡng lự. Tuyệt đối không vượt tại các điểm cua, cua gấp, cua khuất nguy hiểm.
Giữ phanh liên tục
Một sai lầm khác rất phổ biến khi lái xe đường đèo, nhất là khi đổ đèo đó là giữ phanh liên tục. Bạn không nên giữ phanh liên tục, nhất là khi xuống dốc, vì như vậy sẽ dễ dẫn đến bị bó phanh, mòn má rất nhanh. Nhiều người khi chạy qua đèo Hải Vân, bị bó phanh sau vì đạp phanh liên tục. Hậu quả bánh sau chết cứng phải ngừng xe lại và gọi cứu hộ. Thay vào đó, nên trả xe về số nhỏ để ghìm xe lại kết hợp với giữ phanh nhịp nhàng, hợp lý.
Nhấn nhầm chân ga
Khi đổ đèo nhiều người cầm lái thay vì đạp chân phanh lại đạp nhầm chân ga. Thậm chí nhiều lái xe dù kinh nghiệm lâu năm vẫn đạp nhầm chân phanh. Nguy hiểm nhất là vào các khúc cua, nếu bị nhầm chân phanh sẽ gây hoang mang cho các người lái khiến họ không làm chủ được tốc độ lái của mình. Để không nhầm chân phanh với chân ga, nên học thói quen để chân chữ V. Giữ gót chân nghiêng về bên chân phanh, chỉ xoay gót chân mũi nhích chân ga. Bất cứ khi nào không ga, phải chuyển chân sang đặt hờ ở chân phanh, để khi xuống dốc đèo hay khúc cua là đạp thẳng, không bị nhầm.
Chỉnh gương chiếu hậu không đúng cách
Nếu đặt gương chiếu hậu không đúng cách sẽ giảm tầm quan sát của các người lái. Hầu hết trên các xe ô tô, người lái thường đặt gương chiếu hậu ngoài có vùng quan sát trùng với gương chiếu hậu trong cabin, chính điều này làm giảm khả năng quan sát của họ. Hơn nữa điều chỉnh gương như thế này sẽ gây ra một điểm mù lớn mỗi bên hông xe mà người lái không thấy được.
Theo thói quen trước khi xe bắt đầu lăn bánh, chúng ta thường chỉnh góc độ gương, hoặc bẻ hẹp hoặc mở rộng để có được hướng nhìn tốt nhất cho quá trình điều khiển xe. Tuy nhiên điều này đều dựa trên quan điểm nhất thời của chúng ta, phỏng chừng theo cảm tính là phần lớn, thiếu độ chính xác chi tiết. Chính vì thế gây ra điểm mù trong quan sát. Điều này dẫn tới đi trên đèo dễ gây tai nạn, bởi xe đi trên đèo tốc độ không ổn định, dễ gây tai nạn cho mình và cho các xe khác đi cùng hoặc ngược chiều với mình.
Lên số và về số chưa hợp lý
Chạy xe qua đèo không thể tránh khỏi các con dốc đứng, trước khi chạy xe lên dốc trên đèo bạn nên cho xe về số. Nếu thấy dốc ở phía trước thì cách 40 đến 50 mét, nên về số và giữ đều tay ga khi chạy. Một số người có thói quen tới chân dốc rồi mới về số, làm vậy máy sẽ bị gằn và kêu rất to, gây hại cho xe và có thể gây nguy hiểm cho bản thân của mình và người đi cùng. Thêm nữa xe đang ở vòng tua thấp bị tăng ga đột ngột xe không lực mà sẽ chạy ì hơn, máy rất mau nóng và kêu. Còn việc về số tăng ga từ trước chân dốc sẽ tăng vòng tua, tăng đà cho xe chạy dốc rất ngọt. Nên giữ nguyên tay ga khi đang ở trên dốc, nếu có tăng thêm ga thì xe của bạn cũng khó nhanh hơn được.
Khi đang chạy dốc, nếu thấy tốc độ bắt đầu tụt từ từ, hãy về số ngay và giữ đều tay ga. Lên dốc số nào thì xuống số đó, nếu bạn lên dốc bằng số 2, khi xuống dốc đó cũng nên chạy bằng số 2. Đây gọi là ép số, dùng số để làm phanh sẽ ghìm máy không bị lao nhanh xuống dốc. Nếu lúc đi xuống dốc cao hơn thì có thể đi bằng số 2 thậm chí là số 1. Miễn sao không được để xe lao đi quá nhanh, như vậy rất nguy hiểm. Có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra tại các khúc cua và dốc ở các con đèo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn trong đó có nguyên nhân này, chính vì thế bạn cần nắm vững để không xảy ra những nguy hiểm đáng tiếc cho mình và người đi cùng xe của mình.
Ôm cua quá rộng, không bóp còi khi cần
Ôm cua rộng dễ bị trượt bánh, đặc biệt bạn sẽ bị giật mình khi có xe đi ngược chiều. Vì thế, nên tránh ôm cua quá rộng: đường đèo thường chất lượng không tốt như thành phố. Rất nhiều bụi, đá dăm… dễ bị “xòe”. Ngoài ra, nên chủ động bóp còi khi vào góc cua khuất: ra tín hiệu thông báo nếu có người đi ngược chiều. Lưu thông trên đèo không chỉ riêng mình xe của bạn, còn nhiều xe máy, xe ô tô, conterner lưu thông cùng hoặc ngược chiều.
Không giữ khoảng cách hợp lý
Khi chạy xe trên đèo nếu có nhiều xe khác chạy cùng nên giữ khoảng cách an toàn tối thiểu. Tránh tối đa trường hợp xe trước phanh gấp, phanh không kịp dễ dẫn tới tai nạn. Nếu bạn có ít kinh ngiệm trong chạy đường đèo thì nên chạy chậm, không nên chạy nhanh, bám theo xe đi trước để an toàn hơn. Nên chạy trong tốc độ có thể kiểm soát được, một số người chạy nhanh không kiểm soát được tốc độ gây ra nhiều tai nạn thương tâm.
Quên kiểm tra xe trước chuyến đi
Nhiều người chủ quan, ít kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi, nhất là đi đường đèo, dốc. Điều này dẫn đến nhiều sự cố, rủi ro ngoài ý muốn. Đường đèo trơn, độ bám không cao lốp mòn có độ bám dính thấp, có thể trượt bánh khi đi vào khúc cua nguy hiểm. Chính vì thế, trước chuyến đi, bạn cần kiểm tra săm lốp, nếu lốp quá mòn thì nên thay lốp mới.
Tiếp theo sẽ đến phanh rồi đến dầu máy. Kiểm tra xem phanh có ăn hay là không, nếu không cần phải xử lý ngay. Kiểm tra xem dầu máy như thế nào, nếu quá đen thì phải thay dầu mới ngay. Ngoài ra cần phải kiểm tra còi xe, đèn xe, ốc vít… tốt nhất bạn nên mang xe đi bảo dưỡng tổng thể trước khi vượt đèo. Đừng ngại tốn kém vì một chuyến đi suôn sẻ và an toàn cho bạn, cho gia đình và người thân.
Bên cạnh đó, cũng nên đem theo các đồ nghề cần thiết và lốp dự phòng trên xe. Vì khi chạy đèo gặp sự cố thì ít nhất còn tự thân vận động nếu không có cứu hộ. Việc chuẩn bị trước dù mất chút thời gian nhưng đảm bảo độ an toàn và tiến độ hành trình của bạn.
Lơ là, chủ quan khi leo, đổ đèo
Trên các cung đường đèo thường có nhiều khúc cua, nhiều sương mù… nếu lơ là với những yếu tố này sẽ là những sai lầm chết người đối với tài xế lái xe. Tuyệt đối “không được lơ là, dù chỉ một giây” là nguyên tắc sống còn khi lái xe đổ đèo. Cứ 8 đến 10 giây phải quan sát qua gương chiếu hậu một lần để đảm bảo không có những tình huống bất ngờ xảy ra, nhất là vào những khúc cua trên đèo. Nếu leo đèo trong thời tiết xấu, sương mù nhiều tuyệt đối phải bật đèn pha. Đừng vì một phút chủ quan mà cả đời phải hối hận.
Nhiều người vừa lái xe đổ, leo đèo vừa nghe điện thoại. Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi nghe điện thoại tài xế sẽ bị phân tâm tư tưởng, không tập trung chú ý tình hình xung quanh, dẫn đến nhiều tình huống xấu xảy ra. Nên hạn chế nghe điện thoại khi đổ hoặc leo đèo, tốt nhất là tắt điện thoại để đảm bảo an toàn cho mình và cho người đi cùng mình. Vừa chạy vừa nghe điện sẽ khiến nhiều tài xế không làm chủ được tốc độ của mình, như vậy dễ gây ra tai nạn.
Lái xe đang mệt mỏi
Mệt mỏi, ngủ không đủ giấc nhưng vẫn lái xe đổ, leo đèo sẽ khiến đầu óc bạn không tập trung cao độ, xử lý tình huống vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Chắc bạn còn nhớ vụ tai nạn ở đèo Hải Vân năm 2010, chiếc xe tải mang biển số BKS 17K – 6317 chở kính xây dựng từ Huế vào Đà Nẵng. Khi chạy trên đoạn đường đèo do buồn ngủ dẫn tới mất tay lái rồi đâm vào dải phân cách khiến chiếc xe lật nhào trên đường. Vụ tai nạn khiến đoạn đường bị tắc nghẽn nhiều giờ liền. Vụ tai nạn khiến tài xế Quyết bị thương nặng, phải vào viện còn chiếc xe bị hư hỏng nặng nhất là vào phần đầu xe.
Chính vì thế khi lái xe đổ, leo đèo hay đang điều khiển xe trên đường cao tốc bạn nên giữ sức khỏe, không nên lái xe khi đang mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Đi đường đèo núi cần tập trung cao độ và thân xe chuyển hướng nhiều nên dễ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi. Người lái nên dừng lại nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo tiếp tục chặng đường tiếp theo.
Thanh Duy