Mất phanh, mối nguy hiểm tiềm ẩn khi đổ đèo
Lòng hậm hực vì đứa bạn chưa đi đã nói những điều xúi quẩy nhưng cũng ghé vào tiệm sửa xe để kiểm tra. “ Phanh chưa mòn lắm, chạy trong phố cũng được nhưng để đi phượt thì khá nguy hiểm”, anh thợ máy vừa chăm chú sửa vừa nói.
Hú hồn bởi sự thiếu hiểu biết của mình, ngay lập tức lên các diễn đàn “phượt thủ” để tìm hiểu. Đập vào mắt là hàng loạt các vụ tai nạn liên quan đến việc đổ đèo bằng xe máy. Nguyên nhân chủ yếu cũng xuất phát từ việc đứt phanh, mất kiểm soát.
Đèo Bảo Lộc, xe máy lao đầu vào một chiếc ô tô. Chủ nhân không sao nhưng xe thì nát bét. Tam Đảo, Vĩnh Phúc, liên tiếp 4 trường hợp tự đâm vào vệ đường với thương tích khá nặng, nguyên nhân cũng được cho là đứt phanh.
Tài khoản “willxlazy” chia sẻ trên một group xe cho hay, nhóm phượt thủ gồm 11 người, đi 4 xe số và 2 xe ga. Quá trình đổ đèo đi xuống dốc vườn quốc gia Ba Vì thì một chiếc xảy ra hiện tượng đứt phanh. Xe lao thẳng vào lan can chắn ở mép đường ngăn cách với vực sâu. Nếu không phản ứng kịp bằng cách nhảy ra khỏi xe, chủ nhân tài khoản này có lẽ đã vĩnh viễn nằm lại trong chuyến đi định mệnh đó.
Tuyệt đối không được rà phanh liên tục
Quay lại vấn đề, có thể nói “đứt phanh” là từ chung để nói về hiện tượng khi chiếc xe đột ngột mất tác dụng của phanh ( nôm na là kiểu bóp phanh nhưng chẳng thấy xe chậm lại). Nguyên nhân chính được cho là hệ thống phanh hay dây phanh quá cũ, không hoạt động tốt.
Bên cạnh đó, kỹ năng của lái xe cũng góp phần tạo ra hiện tượng này. Đối với chiếc xe số, khi đổ dốc, nhiều người sẽ về số thấp để hãm lại, kết hợp với phanh chân. Tuy nhiên, với xe số bạn không thể làm được điều này. Cách duy nhất đó chính là giảm ga và bóp phanh liên tục.
Việc này dễ khiến phanh bị nóng, má phanh mòn dần rồi dẫn đến mất phanh. Với trọng lượng xe của và người ngồi trên xe càng lớn, quán tính càng lớn, do đó tốc độ trôi dốc ngày càng nhanh. Việc mất kiểm soát chiếc xe, dẫn đến các va chạm không đáng có. Thậm chí, nguy hiểm hơn là rơi xuống vực đối với những con đèo hiểm trở.
Vì vậy, điều đầu tiên và cần phải luôn luôn ghi nhớ khi đổ đèo bằng xe máy đó chính là việc không được rà phanh liên tục. Phải phanh dứt khoát cho tốc độ xe giảm hẳn xuống dưới tốc độ an toàn, sau đó nhả phanh hoàn toàn. Tránh để xe thả trôi hoặc ga quá nhiều khiến tốc độ xe đẩy lên cao quá mức.
Ngoài ra, nên kết hợp với việc sử dụng sức hãm của động cơ để đổ đèo đối với xe tay ga. Hãy giữ tốc độ xe nhanh hơn 15 km/h, sau đó hãy bóp nhẹ phanh rồi mồi ga. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng đây là biện pháp tốt nhất mà các phượt thủ nên học hỏi.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không được tắt máy xe khi đổ đèo. Bởi vì lúc này, xe chỉ di chuyển dựa trên hai bánh, tức không liên quan gì tới cơ cấu hộp số, động cơ. Đối với những chiếc tay ga thì khả năng mất phanh rất lớn do mất đi trợ lực.
Đồng thời, trước khi tổ chức những chuyến đi phượt xa, hãy cố gắng chăm chút lại con xe của mình. Tốt nhất hết là mang ra tiệm để các thợ máy kinh nghiệm phát hiện những hư hỏng nếu có. Nên chú ý đến hệ thống phanh, lốp…nếu đã quá cũ hay mòn thì thay mới. Đừng đánh cuộc tính mạng của mình chỉ vì sự tiết kiệm không đáng có.
Kỹ năng đổ đèo cũng như kinh nghiệm của những người đi trước luôn là điều mà bạn phải cố gắng học. Phải lái xe đúng làn, đi theo nhóm, chú ý quan sát tình hình thông qua các biển báo, gương trên đường. Hãy tận dụng tối đa hệ thống còi và đèn xe khi đổ đèo. Tránh ôm cua quá sát mép ngoài, dễ bị lực ly tâm làm té ngã hay vướng do dạt ra ngoài.
Đừng quá tự tin vào hệ thống phanh của chiếc xe. Nó rất mỏng manh và dễ bị hư hỏng khi đổ đèo. Hãy là một phượt thủ thông minh khi trang bị cho mình những kiến thức cơ bản. Để chuyến đi vừa vui vẻ nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
.