Sau gần 20 năm phát triển, thời điểm hiện tại đang có rất nhiều nhà phát triển đi sâu hơn vào lãnh vực sử dụng giọng nói để ra lệnh cho một tác vụ nào đó trên xe, có thể đó là một trợ lý ảo được phát triển trên nền tảng AI, có thể hiểu và xử lý thông tin cũng như học hỏi thói quen theo thời gian sử dụng. Và chung quy lại thì không chỉ đem đến sự tiện lợi là dùng giọng nói để điều khiển tính năng, nó còn có ý nghĩa rất lớn đó là giúp người điều khiển xe không bị mất tập trung khi lái xe, người điều khiển xe không cần dùng tay hay rời mắt khỏi con đường phía trước để thực thi một tác vụ nào đó.
Voice Control – tích hợp sẵn trên xe
Dùng giọng nói để điều khiển các tính năng của xe, tuỳ vào từng thương hiệu mà số lượng tác vụ có thể nhiều hoặc ít. Đối với cá nhân mình, mình thường hay sử dụng câu lệnh để kiểm tra áp suất lốp trên xe, kiểm tra mực nhớt trên xe hoặc kiểm tra một số thông báo khác trên xe. Và những thương hiệu xe sang thời gian gần đây đều có trợ lý ảo, chúng thông minh hơn, hiểu nhiều hơn, có thể mở rộng rất nhiều tính năng như điều khiển máy lạnh thông minh (tự nhận diện vị trí ghế người ra lệnh), điều khiển đèn nội thất, điều khiển cửa kính, rèm che nắng…v.v.v.
Quảng cáo
Nền tảng trên điện thoại: Siri hay Google Assistant
Điện thoại thông minh ngày nay đều có 1 trong hai trợ lý ảo bên trên. Một khi bạn có kết nối thông minh với xe ô tô như Apple Carplay hay Android auto, bạn đều có thể dùng Voice để điều khiển hệ thống thông tin giải trí, bạn có thể tra cứu thông tin trực tuyến, bạn có thể kiểm tra lịch hay sự kiện nào đó có ở điện thoại trong quá trình lái xe.
Với mình thì phần lớn là mình sử dụng để điều khiển nhạc, đặc biệt khi bất chợt trong đầu muốn nghe một bài hát nào đó thì chỉ cần dùng Voice để mở bài hát đó thay vì phải gõ chữ hoặc tìm kiếm trong kho nhạc của mình. Việc tiếp theo là kiểm tra lịch cũng như đánh dấu một ghi chú hay nhắc nhở nào đó.
Ứng dụng được tính hợp trợ lý ảo
Zing MP3
Hiện nay chưa có nhiều ứng dụng làm được việc này, tiên phong nhất có lẽ đó là Zing MP3 với trợ lý ảo Kiki. Với một hệ sinh thái có thể nói khá toàn diện đối với người hay nghe nhạc Việt Nam thì Zing có lẽ là một nền tảng tốt, và mới đây mở rộng với trợ lý ảo Kiki thì ứng dụng trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều.
Kết nối điện thoại và xe dựa trên nền tảng Apple Carplay hoặc Android Auto, Kiki có thể được kích hoạt bằng phím cứng, bạn có thể nói chuyện với Kiki bằng tiếng Việt một cách rất tự nhiên, ví dụ như một câu hỏi: Sài Gòn hôm nay có mưa không, kiki sẽ phản hồi thông tin về thời tiết đến bạn thông qua giọng nói, tất nhiên là bằng tiếng Việt. Ngoài ra còn rất nhiều thông tin khác đều có thể tra cứu, từ thị trường tiền tệ cho đến thông tin trên báo, Kiki cũng có thể đọc tin tức trên báo cho bạn nghe. Và tất nhiên trợ lý ảo này cũng có thể điều khiển nhạc thông qua giọng nói, kết hợp với Google Map để thực thi câu lệnh dẫn đường của bạn.
Google Map
Một ứng dụng dẫn đường vô cùng phổ biến, không nói về khả năng dẫn đường mà mình đề cập đến vì khả năng điều khiển bằng giọng nói. Việc đang chạy xe mà bấm điện thoại gõ một địa chỉ nào đó để tìm kiếm thì thực sự không đảm bảo an toàn, thay vào đó bạn có thể đọc một địa chỉ, đọc tên một toà nhà, đọc trên 1 quán ăn hay cửa hàng nào đó bằng tiếng Việt, Google Map lập tức sẽ cho bạn chỉ dẫn đường đi tới nơi đó.
Nếu như Google Map của bạn không hiểu được câu lệnh tiếng Việt, bạn hãy vào cài đặt/ứng dụng/google map và chuyển thành ngôn ngữ tiếng Việt để có thể sử dụng tính năng tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt.
Tích hợp trong Head Unit Android
Mình có dùng qua một số màn hình giải trí trang bị thêm cho xe ô tô, được cung cấp từ một số nhà sản xuất phụ kiện cho xe ô tô. Những loại Head Unit này cũng được trang bị riêng một trợ lý ảo để thực thi tác vụ, các tác vụ chính tương tự bên trên, chủ yếu xoay quanh vấn đề về dẫn đường, tra cứu thông tin, điều khiển nhạc hay hệ thống giải trí là chính yếu. Điểm giới hạn chung của những loại này theo quan điểm chủ quan của cá nhân mình đó là chúng đều cần phải có mạng để hoạt động, nếu chỉ vì những tính năng này thì rất có thể bạn đã dùng nó tốt trên điện thoại rồi, nếu bạn share nguồn mạng từ điện thoại ra thì có thể là lãng phí? Hay cung cấp thêm 1 chiếc sim cho Head Unit thì có thật sự cần thiết không?
Có lẽ nó sẽ phụ thuộc vào mục đích của mỗi người, mình chỉ nhắc đến một chi tiết nhỏ như vậy, cái chính yếu mình muốn chia sẻ đó là việc những Head Unit trang bị thêm này cũng được đầu tư tích hợp trợ lý ảo để bạn có thể điều khiển hệ thống giải trí bằng giọng nói, tránh tối đa việc mất tập trung khi lái xe.
Vì sao nên dùng?
Như đề cập ở đầu bài, việc tập trung lái xe là rất quan trọng, các nhà sản xuất xe thậm chí ngày càng tinh giảm những phím bấm điều khiển chỉ để nhằm mục đích tránh sao nhãng khi lái xe. Và việc điều khiển bằng giọng nói thực sự đang là xu hướng đem đến sự an toàn nhất khi so với việc bạn thao tác bằng phím bấm hay thao tác trên màn hình cảm ứng. Qua sử dụng thực tế của bản thân mình thì nó rất tiện và tuyệt vời, đối với tiếng anh ở một số thao tác cũng không quá khó khăn trong câu chữ hay khả năng phát âm, chúng ta hoàn toàn có thể tập trong một thời gian rất ít để thao tác những thứ mà ta hay dùng, với những lợi ích rất lớn này thì mình nghĩ rằng rất đáng để bỏ một ít thời gian làm quen và tập sử dụng để chúng trở nên hiệu quả hơn, giúp ích cho chúng ta nhiều hơn.